[LÀM SAO ĐỂ VỠ NỢ KHI KINH DOANH GIÀY] - Blog Trần Hiếu - Mãi mãi tinh thần phụng sự

Header Ads

[LÀM SAO ĐỂ VỠ NỢ KHI KINH DOANH GIÀY]



Như đã hứa, mình xin chia sẻ chút kinh nghiệm sau hơn 2 năm kinh doanh giày dép ( xin lỗi cả nhà vì mình mới sinh em bé nên lỡ hẹn với mọi người, giờ mới ngồi mò bàn phím được).
Nhanh và luôn, mình vào đề cho khỏi sốt ruột các bạn, tất cả những gì mình viết dưới đây là bài học ngu khôn đủ cả sau hơn hai năm buôn giày. Chốt lại là mình nợ 200 triệu và vẫn ôm khối nợ cùng khoản lãi đến bây giờ nhé. Cho nên, bạn nào muốn nghe chia sẻ của người thành công thì bỏ qua top này, top này dành cho ai muốn xem người khác ngu như nào, ngã sấp mặt ở đâu và tránh. ok.
Sau tất cả, mình nghĩ có vài note quan trọng để có một sự bắt đầu thú vị cho những ai muốn kinh doanh giày:


1. LẬP KẾ HOẠCH PHÙ HỢP.

Kế hoạch, luôn luôn là kế hoạch càng chi tiết càng tốt. Các bạn vứt hết, ném hết mấy cái mớ lý thuyết về cách lập kế hoạch, các phương pháp lập kế hoạch hoàn hảo đi, hãy lập cho mình một kế hoạch phù hợp với bản thân. Vì sao ư? Vì mình quan niệm rằng chẳng có cái quái gì hoàn hảo ở cuộc đời này hết.Mình lập kế hoạch cho mình, không phải cho chồng mình hay con bạn buôn dưa lê hóng hớt của mình, chỉ mình mới biết mình thực sự cần gì, muốn gì và phải làm gì. Còn nếu mình chưa biết mấy điều tối thiểu trên, ok, mình dừng cuộc chơi cho đến khi nào biết. 
Tại sao lập kế hoạch là điều mình nhắc đến đầu tiên? Bởi vì đi ra từ sự tự tin vào bộ não của bản thân, mình đã từng có thói quen lập kế hoạch trong đầu và bập vào làm luôn. Done, vì thế mà vụ kinh doanh giày mình ngã sấp mặt. Mình từng nghĩ mình đã nghiên cứu kỹ khi tự đặt câu hỏi cho việc Tìm nguồn giày ở đâu? Nhà cung cấp nào uy tín, chất lượng? Thuê mặt bằng bao nhiêu tiền? Vốn ban đầu tổng cộng bao nhiêu? Bán cho ai?... Đấy, mình nghĩ mình trả lời được mấy câu hỏi kinh điển này là mình có thể thành một bà chủ trong giới kinh doanh giày rồi đấy. Các bạn có thấy vi diệu không? Chốt lại, các bạn không nên mà là bắt buộc phải lập một kế hoạch chi tiết và nhấn mạnh việc bắt buộc phải viết ra hoặc đánh máy ra, làm dưới dạng bảng excel càng tốt. Muốn viết gì cũng được nhưng các bạn cố gắng nhớ rằng mấy câu hỏi dạng ngây ngô mà mình vừa ví dụ chỉ là mục lớn, mỗi mục còn cả tỉ item cần phải vạch rõ. Ví dụ thế này nhé. Riêng câu hỏi bán cho ai ( lựa chọn phân khúc khách hàng) đã có cả tỉ thứ cần làm rõ:
- Bạn bán cho người có thu nhập bao nhiêu?khách hàng cao cấp- người có thể mua với giá 500k trở lên? thu nhập trung bình - người có thể mua với giá 200-300k; thu nhập thấp - người cực thích hàng vài chục nghìn đến 100-200k là cùng.
- Bạn bán cho nam hay nữ, già hay trẻ, đàn ông hay đàn bà
- Bạn bán cho khách hàng tại chỗ hay online, online là khu vực nào tập trung mạnh, Bắc hay Nam?...
- Nhóm khách hàng ưu tiên là nhóm nào? già - giàu -nữ-gần hay trẻ - trung bình - nữ - xa,.... đại loại thế ( phần này cực vui cho bạn nào mê mấy phần tổ hợp chỉnh hợp trong xác xuất thống kê ngày xưa mài mông đi học :D )
---- và bất kỳ item nào nữa nảy ra trong đầu bạn? hãy viết, viết viết và viết ra và trả lời càng chi tiết càng tốt. Đừng sợ dài dòng, bạn cứ viết dài lê thê lủng củng cũng được, miễn là bạn hiểu. sau khi hoàn thiện kế hoạch rồi thì bạn cắt gọt câu chữ sau cũng chưa muộn. Ok, tạm thời là thế đã, giờ mình sẽ đi vào chi tiết việc lựa chọn phân khúc khách hàng.

2. BÁN CHO AI?

Phần ví dụ ở mục trên mình note vài điều căn bản cho việc lựa chọn phân khúc khách hàng. Sở dĩ mình viết phần này trước khi nói đến lựa chọn nguồn hàng vì theo mình, bạn phải biết bạn bán cho ai thì bạn mới lựa chọn được nguồn hàng phù hợp trong cả ổ nhà cung cấp.
Sau khi bạn biết được mình sẽ bán cho ai thì đương nhiên bạn sẽ biết mình bán gì và không lẽ nào không tìm được hướng đi lựa chọn nhà cung cấp. Đơn giản thế này nhé, khi bạn xác định bán giày nữ, cho đối tượng văn phòng thu nhập cao thì lựa chọn dòng việt nam xuất khẩu, xuất dư là một gợi ý ko tệ. Các bạn lưu ý giày việt nam xuất khẩu trên thị trường bây giờ rất loạn giữa hàng chính hãng, xuất dư với hàng sản xuất tại việt nam nhưng chất lượng tốt ( mấy khái niệm này phần sau mình sẽ phân tích kỹ).
Lời khuyên dành cho các bạn là nên chọn hoặc khách hàng thu nhập cao, hoặc khách hàng thu nhập thấp, đừng lựa chọn nguồn hàng theo khách hàng thu nhập trung bình. Đến đây có thể nhiều bạn sẽ hoang mang vì khách hàng thu nhập trung bình là bộ phận đông đảo mà bỏ thì phí. Các bạn yên tâm, không phí đâu, không có con cá nào lọt lưới đâu. Tại sao ư? Sau những ngày ngồi đếm tiền trả lãi, mình ngộ ra rằng cái nhóm mà chúng ta cho là thu nhập trung bình thì cực kỳ dễ cố thêm một tí để mua đôi giày 500k. dù cho mục tiêu của các cụ ý ban đầu chỉ là mua đôi 250k. Họ không nghèo như chúng ta nghĩ đâu, họ chỉ khác nhóm thu nhập cao là khi mua về họ tiếc vì tiêu quá dự định, nhưng yên tâm đi, lần sau họ lại vung và lại tiếc, họ không từ bỏ nhu cầu mua sắm đâu, họ sẵn sàng bỏ thêm một vài trăm để bước một chân vào giới đại gia. Trong khi nhóm đại gia chỉ khác mỗi khoản mua ko tiếc và ko cần nhìn giá. :3 Nhóm trung bình này cũng là danh sách tiềm năng cho các đợt big sale của bạn. Và đương nhiên, các chị em sẵn sàng bỏ ra 250k để mua giày trung bình thì không cớ gì lại bỏ qua những siêu phẩm 80k, 100k ( nhóm mặt hàng mà các bạn dành cho khách hàng thu nhập thấp)
Cuối cùng, điều quan trọng là bạn biết đặt giá trị sản phẩm của mình đúng vị trí. Bạn muốn đôi giày của bạn là hàng cao cấp thì chất lượng thôi chưa đủ, bạn phải chuyên nghiệp và thể hiện đẳng cấp của một ông chủ sành giày. Done.

3. Tìm kiếm nhà cung cấp?

Điều này nhanh và gọn thôi. Bạn xác định được dòng sản phẩm định bán rồi thì chỉ việc search các công ty phân phối, sản xuất giày là ra. Một số trang mình hay search là http://www.yellowpages.vn/. Buonvnxk, nguonhanggiasi. ... và ti tỉ trang khác, các bạn giỏi hơn mình khoản này nhiều.
Ngày trước mình đến với buôn giày là nhập hàng từ bạn của chị gái mình, rồi mình bán online. Tuy nhiên, thấy mẫu mã và chất lượng ko đẹp như hình ảnh nên mình đã bỏ mối này và lỗ gần chục triệu. Sau đó mình quyết định làm đại lý cho VIT - Evashoes. Nếu làm đại lý thì bạn xác định chỉ bán hàng của họ, không nhập hàng của bên nào khác nữa. Nếu họ ko phát hiện ra thì ko sao nhưng khi lộ ra bạn phải chịu trách nhiệm đền bù theo hợp đồng đã ký. Sau 2 năm thì mình từ bỏ vì nhiều lí do, tiêu biểu là do mình tập trung phân khúc nửa nạc nửa mỡ ( thu nhập trung bình), tiếp đó là do mình mình nhận thấy nguồn này giá thành cao, lợi nhuận thấp chỉ được cái pr mạnh, hào nhoáng.
Sau đó thì mình chấm dứt hợp đồng và tự nhập hàng ở nguồn khác. Mình bán buôn bán sỉ một thời gian thì dừng do âm tiền khá nhiều, bonus thêm vụ mất trộm hai xe máy tại quán và mất ví :3. Nói chung đợt đó tinh thần đi xuống trầm trọng nên bị sóng đánh sấp mặt :3.

4. Bán Như Thế Nào?

thực ra mỗi người có một cách bán hàng riêng và cũng một phần là cái duyên. Tuy nhiên mình có vài điều muốn chia sẻ với các bạn, có liên quan đôi chút đến việc bán hàng.
Thứ nhất, bạn phải thực sự hiểu sản phẩm. Ai cũng có lần đầu tiên và không biết, vì thế phải học. Học ở đâu? Đọc nhiều, search nhiều, hỏi nhiều, học từ nhà cung cấp, học từ bạn hàng và học từ chính khách hàng. Đơn cử như mình, mới vào nghề mình chả biết quái gì về giày, mình mày mò để hóng và phân biệt các loại giày vì thị trường nước ta quá loạn. Ví dụ như cụm từ giày vnxk quá phổ biến và tràn lan, thậm chí các xưởng sản xuất cũng cứ liên mồm giày vnxk, shop nào cũng giày vnxk nhưng phần lớn là hàng gia công, hàng fake.
Mình gạch đầu dòng vài cái note nhỏ để các bạn phân biệt, nếu không bán giày thì mua giày cũng đỡ bị biến thành gà.
- Giày real: đây là hàng chính hãng, các bạn chỉ có thể mua được những đôi này ở chính store hoặc xách tay nước ngoài. Ở Việt Nam thì anh hùng hơn nên thi thoảng có shop sẽ có do mối hàng tuồn. Tức là bằng cách nào đó, họ nhập được một số đôi chính hãng, chuẩn code và mã vạch. Nói trắng ra là đây là hàng ăn cắp. Mình không nói shop ăn cắp mà người đầu tiên cầm được đôi dày này ra khỏi nhà máy gia công cho hãng là người ăn cắp. Điều này thường xảy ra với hãng Nike, Das, và một số hãng thể thao lớn có nhà máy đặt ở Việt Nam.
- Giày xuất dư: đây là những đơn hàng không xuất được cho các hãng. Ví dụ ông Nike ông thuê công ty A của Việt Nam gia công cho ông ý 10000 đôi giày, nhưng đến ngày xuất thì ông A chưa có đủ hàng hoặc hàng có lỗi về tem, màu hoặc chất liệu ko đúng hợp đồng, đại loại là bất cứ lỗi nhỏ về chất lượng sản phẩm hay thời gian giao hàng là các ông lớn sẽ cancel hết. Hàng đó theo hợp đồng là bị cắt nhỏ hoặc chém hết vì bảo vệ bản quyền thương hiệu. Nhưng các bố VN ma cô lắm, tiền chứ lá chuối đâu mà bỏ, hoặc là các bố tìm cách tẩu tán một phần kha khá cho các mối uy tín lâu năm, hoặc là các bố cắt dọc sau đó bọn tây nó lượn rồi thì các bố cho khâu, thế mới có câu chuyện giày cắt bán ngoài lề đường. Tuy nhiên, đây là câu chuyện của vài năm trước thôi, chứ giờ Tây lông khôn rồi, toàn bắt băm vụn. :3. Bonus thêm là có trường hợp chuyến hàng vẫn xuất ngon lành nhưng một số đôi lỗi bị bỏ lại thì các bố VN cũng vẫn bán mà kiếm thêm. Đương nhiên là sau khi sản phẩm onweb, các ông VN mới dám bán, chứ bán trước Tây nó thấy có thằng phá giá nó luộc nhừ.
- Giày vnxk: cụm từ này siêu phổ biến nhưng bản chất là không có hàng. Các bạn hiểu đơn giản thế này nhé, hàng xuất khẩu là hàng thương hiệu của Việt được thị trường quốc tế chấp nhận và mình xuất khẩu qua đó, đó mới là vnxk. Ví dụ dòng Tegro của Đông Hưng được xuất sang thị trường Á, Âu ý, đó là vnxk. Còn mấy bố Nike, Das, Vagabond mà made in Vietnam thì ko gọi là hàng xuất khẩu nhá. Món đó Việt Nam chỉ đóng vai trò làm thuê, gia công cho bọn Tây lông thôi nhá. 
- Giày nối chuyền: mình tạm gọi bọn này là fake hịn :v. Đây là dòng sp chất lượng ko kém gì hàng xuất dư. Bởi vì, sau khi ông tây ông thuê dân mình sản xuất cho hãng, ô ấy sẽ cấp nguyên liệu như da, đế, kéo, phụ kiện,... các chế Việt Nam sản xuất tốt, trình độ lao động tay nghề cao, bác quản lý nguyên liệu tốt, dư nguyên liệu, khi xuất hàng trả cho hãng rồi, tiện chuyền sản xuất, form đế còn trên chuyền, dân mình tận dụng nguyên liệu dư đó và sản xuất tiếp, bán với giá thành khá thấp, Nói chung mối này mà móc được thì cũng ngon bổ rẻ.
- Giày việt nam: cái này ko có xk nhá. nhưng toàn bị lôi ra thành vnxk. Đơn giản là một số công ty nhỏ, kiểu trách nhiệm hết hạn hay công ty 1 thành viên tỉ giám đốc sản xuất, đi lên từ xưởng, lấy mẫu mã của hãng, sản xuất chất lượng có vẻ ok, nói chung là chấp nhận được, rồi gắn mác hãng và vỗ ngực phành phạch là giày bên tôi là vnxk. Thực ra có xưởng cố ý làm thế, mình quy đội này vào đội làm hàng fake; có xưởng thì đúng là ko hiểu thế nào là vnxk thật, bản thân mình nhiều lần nói chuyện với chủ xưởng trong quá tình tìm nguồn hàng, các chế vẫn cứ khăng khăng hàng này vnxk nha e, ko phải hàng chợ hàng fake nha e, hàng này bên chị tự nhập nguyên liệu, tự làm hết, thợ cẩn thận, c toàn giao cho shop chứ chợ ko có cửa,... thế mình hỏi lại là hàng nhà c có xuất đi thị trường nc ngoài ko ạ. Họ trả lời vội: ôi sx cho khách việt còn ko hết đủ sức đâu mà làm đơn nc ngoài :3. @@ Nói vậy để các bạn hiểu.
- Giày cụ của fake: thánh này tầm cỡ Phú xuyên và mấy làng nghề, xưởng trong Nam ngoài Bắc, làm nhái thương hiệu, chất lượng thì ko ngửi được. Chủ yếu món này đẩy về chợ đầu mối. Nói chung món này m ko phân tích nhiều, các bác cứ bơi ra chợ là biết tuốt.
Rồi. xong khoản hiểu sp. Mềnh tiếp tục bán thế nào. Mình không bàn nhiều về kỹ năng vì các bạn còn là chuyên gia trong khoản này, mình xách dép ko kịp. Chỉ mong các bạn nhớ rằng phải luôn thật thà, thật thà và thật thà. Đừng lừa khách hàng, đừng tham vài đồng bạc. Ví dụ từ bản thân mình cho thực tế. Ngày đó mình bán cùng một thằng cu em, hôm nó trông hàng, nó tính thừa của khách mất 80k vì nó nhớ nhầm giá, khi mình đến nó mới hỏi và kể. Nó bảo khách vãng lai, ko phải cư dân nên thôi, ko phải trả lại. Mình nhất quyết không đồng ý, mình gọi điện cho chị khách và hỏi chị ở đâu mình mang tiền qua. Khách đó ở Láng và nhà người thân ở gần cửa hàng mình dưới Hà Đông, sau một hồi nói chuyện thì c ấy quyết định để hôm nào tiện chị qua lấy. 1 tuần sau c quay lại, mình đưa 80k luôn và ko quên chào hàng mới về. xong, c đẹp nhấc luôn 2 đôi.Đấy, các bạn chỉ cần sống thiện lương, trời xanh sẽ an bài. 
Thôi, sắp đến giờ bé nhà mình dậy nên chia sẻ nốt với các bạn làm sao để tính giá giày. Thực ra có nhiều công thức, bản thân mình mới đầu cứ ù ù cạc cạc bán chênh 20-35% theo giá nhập. Sau mình học hỏi thêm và tính giá gốc theo công thức: tổng tiền nhập một mã / số giày - size đầu size cuối = giá nhập. Ví dụ mình nhập một ri 5 đôi ( 35-39) theo giá 100k thì tổng tiền là 100x5= 500k. Nhưng một ri sẽ có ít nhất hai đôi là 35 và 39, bạn xác định đây là size rủi ro cao khó bán.==> giá nhập = 500 / (5-2) = 166k. Sau đó bạn muốn ăn lãi bn % là tùy bạn. Chỉ cần bạn nhớ lấy 166k nhân lên thay vì 100k.
Một note nho nhỏ nhưng vô cùng quan trọng là quản lý tiền. đây là một trong những lý do mình ôm nợ đấy. trước kia mình nghĩ một tháng bán được bao nhiêu thì đó là doanh thu, trừ tiền chi phí cửa hàng, điện nước, ... gốc nhập hàng thì còn lại là lợi nhuận và mình thoải mái tiêu khoản đó. vâng. thế nên mới rụng răng đấy. bạn phải nhớ khoản lợi nhuận đấy sẽ là lợi nhuận đúng nghĩa khi bạn kiếm đủ số vốn ban đầu, kể từ thời điểm đó trở đi b mới được phép tiêu tiền lãi kiếm đc. ví dụ mình đầu tư ban đầu 200tr. mỗi tháng trung bình mình lãi 10tr. vậy sau 20 tháng mình mới được tận hưởng cảm giác tiêu tiền lãi từ kinh doanh giày. đấy là lí do vì sao mình nói bạn bắt buộc phải lập kế hoạch, vì trong phần kế hoạch đó luôn luôn có mục tiền dự trữ tri tiêu hàng tháng của bạn trong thời gian thu hồi gốc. Nếu các bạn sợ lâu quá sẽ nản thì có thể lựa chọn phương án chia khoản 10tr kia ra 2 phần 50-50 chẳng hạn. Một nửa để bạn tồn tại, một nửa để bạn trả vốn ban đầu. Bạn làm sổ tiết kiệm hay cất két thì tùy, miễn sao khoản đó bạn ko được đụng tới. Nếu đụng tới thì bạn đang lấy 200tr ra tiêu dần đấy. Và đương nhiên, tiền bị chia đôi thì thời gian bạn hoàn gốc cũng gấp đôi. 
Ok, tạm thời là vậy, nói chung kể về thất bại và sấp mặt của mình thì nhiều lắm, dài lê thê. Hẹn dịp khác sẽ kể lể với các bạn. Sau tút này mong các bạn tin rằng, mọi sự chuẩn bị kỹ càng đều mang lại thành quả, nếu chưa có thành quả gì thì do bạn chưa chuẩn bị kỹ mà thôi. Sau tất cả thất bại, nợ nần ngập mặt, buồn chán và thất vọng có nhưng dù sao vẫn có niềm vui trong mọi thất bại. Với mình đó là các mối quan hệ, thậm chí thân thiết như ruột thịt được sinh ra từ mấy năm bươn chải đó. Pr thêm chút là đến nay mình vẫn giữ được một số mối quan hệ với vài bác nhà máy, đặc biệt hàng nam thì mình tự tin hỗ trợ các bạn tìm được nguồn xuất dư chuẩn xuất dư với giá thành từ 1-200k thôi. Giá bán lẻ thì trên trời, các bạn tham khảo thị trường kỹ sẽ hiểu. Đương nhiên là mình có lợi nhuận trong việc này vì mình cũng phải sống, tuy nhiên mình đi ra từ hai bàn tay trắng, giờ cũng vẫn trắng tay nên mình hiểu sự khó khăn của người mới bắt đầu. Vì thế, các bạn ko phải chịu bất kỳ chi phí nào cũng như không phải mua giày của mình, mình không kiếm lãi vài k trên một đôi giày của các bạn, các bạn được làm việc với nhà sản xuất và giá công bằng như giá họ phân phối cho các đại lý. Lợi nhuận của mình có thể là tiền, cũng có thể ko và nó đến từ nhà sản xuất, KHÔNG PHẢI CÁC BẠN.

P.S: Chúc các bạn máu kinh doanh giày có một bước đi vững trãi và thành công, đừng lo vốn, vốn đã có ngân hàng lo, trả lãi là việc của bạn :3

Không có nhận xét nào