Khởi nghiệp thông minh theo mô hình SMARTUP - Blog Trần Hiếu - Mãi mãi tinh thần phụng sự

Header Ads

Khởi nghiệp thông minh theo mô hình SMARTUP

Theo một kết quả khảo sát, Việt Nam xếp thứ 7 trong số 44 nước tham gia khảo sát về tinh thần khởi nghiệp cao, đứng sau Đan Mạch, Nam Phi, Thái Lan, Anh, Trung Quốc và Ấn Độ.

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, hàng chục ngàn doanh nghiệp được hình thành, rất nhiều quỹ đầu tư khởi nghiệp ra đời. Có hàng trăm sự kiện, hội thảo về chủ đề khởi nghiệp cũng như rất nhiều khóa học, cộng đồng, dịch vụ cộng sinh dành riêng cho khởi nghiệp.
Trong bức tranh khởi nghiệp, không ít những doanh nghiệp thành công và phát triển mạnh mẽ, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít người phải từ bỏ niềm đam mê khởi nghiệp. Qua nhiều năm khởi nghiệp và nghiên cứu các mô hình khởi nghiệp, tôi đã đúc kết một mô hình phù hợp với các doanh nghiệp khởi nghiệp, được xây dựng từ quan điểm cá nhân và muốn chia sẻ mô hình đó.
SMARTUP - Solution; Marketing; Area; Resoures; Transit; Unique; Process, Price, Profit, là mô hình giúp nhà khởi nghiệp tìm được hướng đi đúng đắn, giảm thiểu nguy cơ thất bại đến mức thấp nhất trong những ngày đầu khởi nghiệp và có thể sống sót trong sáu tháng đầu tiên, như ai đó đã nói: “Tìm cách sống sót là yêu cầu số 1 của các start-up tại Việt Nam”.
Solution - GIẢI PHÁP
Tỉ phú Jack Ma từng nói: “Ở đâu có phàn nàn, ở đó có cơ hội”. Những ai bắt đầu khởi nghiệp cần phải tìm kiếm và giải quyết một vấn đề đang tồn tại trên thực tế, và điều đó phải mang lại giá trị cho khách hàng. Có một câu nói khác cũng rất hay: “Kinh doanh là giải quyết vấn đề của xã hội”. Vì vậy, ngay từ phút đầu khởi nghiệp, bạn phải xác định doanh nghiệp của bạn sẽ giải quyết vấn đề gì của khách hàng. Sau đó, toàn bộ hành trình của doanh nghiệp là đi giải quyết vấn đề đó. “Cách tốt nhất để đạt được ước mơ của bạn là hãy giúp người khác đạt được ước mơ của chính họ”.
Marketing - TIẾP THỊ
Thông thường, có bốn kênh chính để bạn tiếp xúc với khách hàng gồm truyền thông, phân phối, bán hàng và hỗ trợ khách hàng. Đối với mỗi kênh, bạn đều phải thấu hiểu và áp dụng một cách thành thạo, chọn ra từng kênh để sản phẩm/dịch vụ của bạn tiếp cận thị trường ở mức rộng nhất.
Area - VÙNG HOẠT ĐỘNG
Trong “chữ A” này, bạn sẽ phải làm rõ đối tượng khách hàng mục tiêu mà bạn hướng đến. Họ là ai, thuộc phân khúc nào? Đó có thể là thị trường đại chúng, thị trường ngách hay thị trường hỗn hợp? Phân tích SWOT giúp doanh nghiệp của bạn tìm ra được thế mạnh, giảm thiểu những điểm chưa phải là lợi thế, tìm ra thị trường. Và khi chọn cho mình một thị trường nghĩa là bạn đã chọn một “mảnh đất” để sống. Mảnh đất tốt giúp bạn sống tốt và ngược lại. Thị trường của bạn về lâu dài sẽ quyết định phong cách phục vụ của doanh nghiệp của bạn.
Resources - NGUỒN LỰC
Nguồn lực ở đây được hiểu bao gồm vật lực và nhân lực. Ông bà ta có câu: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, nhưng ở đây, việc nắm rõ về nguồn lực đảm bảo cho các dự án khởi nghiệp sẽ trăm trận... không thua!
Thực tế là có nhiều ý tưởng tuyệt vời nhưng được thực hiện bởi một đội ngũ tồi sẽ tạo ra kết quả tồi. Ngược lại, có những ý tưởng được cho là tầm thường nhưng được thực hiện bởi một đội ngũ tuyệt vời sẽ mang lại một kết quả tốt, hoặc họ có thể thay thế ý tưởng ban đầu bằng một ý tưởng khác phù hợp với nguồn lực đang có. Do đó, điều quan trọng là phải biết lượng sức mình, đặt mục tiêu “cao để với, vừa để tới”, đảm bảo có thể thực hiện thành công và có thách thức với đội ngũ.
Tìm được người đồng sáng lập có cùng chí hướng, chiến lược và mục tiêu luôn là điều khó khăn và trăn trở của không ít các nhà khởi nghiệp. Để có thể cùng nhau đi xa, khi bắt đầu khởi nghiệp, bạn và cộng sự của bạn cần xây dựng những điều khoản chia sẻ lợi ích và lợi nhuận khi “cộng tác” cùng nhau, nhưng bên cạnh đó, cũng đừng quên xây dựng những điều khoản chia sẻ rủi ro và thất bại khi “chia tay” nhau. Ông bà thường nói: “Mất lòng trước, được lòng sau”, điều này không sai cho cả những người cùng nhau khởi nghiệp.
Transportation - PHƯƠNG THỨC VẬN CHUYỂN
Dù là bán bất cứ sản phẩm nào, nếu bạn không giao hàng đến người mua đúng hạn, bạn sẽ gặp rắc rối lớn. Các công ty khởi nghiệp đa số đều tập trung vào việc làm thế nào để tạo ra sản phẩm tốt. Đây là điều cần thiết nhưng đôi khi việc vận chuyển của bạn sẽ là yếu tố tiên quyết đối với khách hàng. Vì vậy, đừng quên tập trung vào việc vận chuyển sản phẩm/dịch vụ để sản phẩm được đưa đến tay khách hàng một cách nhanh nhất với chi phí tối ưu nhất.
Unique - SỰ KHÁC BIỆT
Sự khác biệt hay có thể gọi là giá trị cốt lõi là một phần quan trọng và cũng là phần khó diễn tả chính xác nhất. Bởi vì bạn sẽ phải chắt lọc những giá trị cốt lõi nhất của sản phẩm, đồng thời nêu lên quan điểm khác biệt so với đối thủ cạnh tranh.
Để đi tìm sự khác biệt cho sản phẩm của bạn, hãy làm những điều sau: đặt mình vào vị trí của khách hàng và nhìn sản phẩm/dịch vụ của bạn dưới góc nhìn của họ; tập trung vào những gì khách hàng sẽ nhận được sau khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn.
Điều khác biệt chỉ ra những thứ giúp bạn giành chiến thắng trước những đối thủ cạnh tranh; những lợi thế không dễ sao chép - chỉ có bạn mới có. Điều khác biệt giúp phân biệt bạn với tất cả mọi đối thủ cạnh tranh khác. Điều khác biệt tạo nên lợi thế cạnh tranh tuyệt đối cho bạn. Đó có thể là nguồn lực về con người, là công nghệ hay văn hóa công ty...
Sự khác biệt chính là điều cần bàn nhất trong kinh doanh. Sự khác biệt có thể là “chia nhỏ” và làm xuất sắc nhất có thể.
P - Profit, Process, Price - LỢI NHUẬN, VẬN HÀNH, GIÁ CẢ
- Profit - LỢI NHUẬN: Chúng ta đều biết Lợi nhuận = Doanh thu - Chi phí. Để doanh nghiệp của bạn có thể sống sót lâu trên thị trường, bạn phải trả lời các câu hỏi sau đây: Doanh nghiệp của bạn có tất cả loại chi phí nào, làm thế nào để tối ưu hóa các chi phí đó? Doanh thu bắt nguồn từ đâu? Lợi nhuận biên trên mỗi sản phẩm là bao nhiêu? Hãy đảm bảo doanh thu dự kiến ở mức thấp nhất của bạn phải vượt xa chi phí thì doanh nghiệp mới phát triển lên tầm cao mới. Hãy tối ưu hóa chi phí, gia tăng doanh thu và gia tăng lợi nhuận doanh nghiệp.
Tối ưu hóa hệ thống vận hành doanh nghiệp là một trong những phương pháp hiện đại giúp bạn tối ưu hóa chi phí doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm/dịch vụ với chi phí cạnh tranh nhất - lợi nhuận cao nhất, tạo ra khách hàng.
- Price - GIÁ CẢ: Giá cả, một P trong “4P” của quản trị marketing là: Product (sản phẩm), Price (giá cả), Promotion (ưu đãi) và Place (địa điểm). Thực tế điều này cần phải tham khảo trước khi bạn bước vào cuộc chiến khởi nghiệp. Mặc dù đối với người đang háo hức khởi nghiệp thì cạnh tranh về giá cả có vẻ không phải là ý tưởng hay ho cho lắm, tuy nhiên, nó thật sự là vũ khí cạnh tranh đơn giản nhưng hiệu quả nhất. Đặc biệt với thị trường Việt Nam, nếu bạn cạnh tranh về giá, bạn sẽ chắc chắn thắng. Hãy tối ưu hóa sản phẩm của bạn, bán với giá hấp dẫn nhất - phần thắng cuộc chơi kinh doanh sẽ nghiêng về bạn.
- Process - QUY TRÌNH
Quy trình đối với một dự án hay một công ty khởi nghiệp là tối quan trọng. Vậy câu hỏi đặt ra là bao nhiêu quy trình cho một công ty khởi nghiệp là đủ? Thậm chí bạn khởi nghiệp chỉ có một mình, bạn cũng sẽ sớm nhận ra rằng bạn bị mất kiểm soát, trừ khi bạn bắt đầu sắp xếp và viết ra làm thế nào và khi nào những công việc cần được hoàn thành.
Cho dù bạn có thích hay không, thì bạn cũng phải làm quen với các quy trình trong doanh nghiệp. Câu hỏi chính xác và cụ thể cần được đặt ra lúc này là: “Tôi cần tối thiểu bao nhiêu quy trình cho doanh nghiệp của mình?”. Câu trả lời đơn giản là bạn cần phải thực hiện từng quy trình một tại mỗi thời điểm, bắt đầu với những thứ vô cùng quan trọng với doanh nghiệp của bạn, cho đến khi bạn cảm thấy và tin rằng những điều đó bắt đầu xảy ra một cách tự nhiên và đều đặn mà không có bất kỳ áp lực nào. Nếu bạn cảm thấy một quy trình nào đó là một gánh nặng thì bạn đã đi quá xa rồi. Các công ty khởi nghiệp cần phải cân bằng giữa quy trình và sáng tạo. Việc sử dụng vừa đủ số lượng quy trình sẽ giúp cho các công ty khởi nghiệp tăng tốc.
Nguyen Tran Phuong - thành viên khởi nghiệp Việt Nam

Không có nhận xét nào