NGÔN TỪ VÀ NHỮNG TRÒ CHƠI THÔI MIÊN TRONG KHÓA HỌC (PHẦN 2) - Blog Trần Hiếu - Mãi mãi tinh thần phụng sự

Header Ads

NGÔN TỪ VÀ NHỮNG TRÒ CHƠI THÔI MIÊN TRONG KHÓA HỌC (PHẦN 2)



Sau khi sắp xếp sân khấu thật hoành tráng với cấu trúc đặc biệt để phục vụ cho công việc “diễn” của mình


1, Tập thể dục (nhảy nhót, chơi trò chơi, hi-five…)

Trước khi cài đặt hay truyền thụ bất kì điều gì cho khán giả, đầu tiên “kịch sĩ” cần phá bỏ rào cản vật lý và tâm lý của khán giả. Con người ai cũng có một khoảng không gian an toàn xung quanh mình (lãnh thổ). Nếu một người lạ vô tình vi phạm khoảng không gian đó thì chúng ta sẽ khó chịu, đề phòng. Các trò nhảy nhót ban đầu giúp khán giả giải phóng năng lượng, kích động rồi sẽ tiếp thực hiện những hành động mà “kịch sĩ” yêu cầu. Đấm lưng, bóp vai, bắt tay… người bên cạnh sẽ giúp chúng ta hạ thấp hàng rào phòng thủ vật lý để tiếp thu “vở diễn” và là tiền đề tham gia vào đội nhóm sau này.

Lừa hàng trăm người thì dễ hơn lừa một người khi hàng rào tâm lý được loại bỏ. Những người tham gia chương trình chia làm hai loại: đi cùng đội nhóm hoặc đi một mình. Để người tham dự dễ bị chi phối bởi đám đông và không bị chán bỏ về giữa chừng thì “kịch sĩ” sẽ cho người tham gia chơi một số trò chơi tạo đội nhóm. Các trò chơi có thể đơn giản như thi xin số điện thoại vì các bạn tới đây còn để mở rộng mối quan hệ. Khi con người thuộc về một đội nhóm thì họ sẽ hành động theo đội nhóm.

Có một học viên từng nhận xét về “kịch sĩ” như sau: “Em chưa bao giờ gặp một người dạy hay như thầy. Trước đây, em cứ đi học là buồn ngủ. Riêng với thầy thì học 18h/ngày mà vẫn vô cùng tỉnh táo.” Đọc dòng nhận xét tôi thấy buồn cười. Cả một chương trình, “kịch sĩ” bắt bạn hi-five, giơ tay nói “tôi”, nhảy nhót, tập thể dục liên tục. Khi bạn tập thể dục thì tim đập nhanh và máu bơm lên não. Não được bơm nhiều máu sẽ luôn tỉnh táo chứ chẳng phải do trình độ sư phạm hay kiến thức xuất chúng của “kịch sĩ”.

2, Nổ rất to về bản thân

Để xây dựng niềm tin, “kịch sĩ” sẽ nổ tầm 15-30 phút về sự nghiệp bản thân, là giám đốc, cổ đông, nhà tư vấn cho hàng trăm doanh nghiệp với doanh thu hàng triệu đô. Nếu “kịch sĩ” “thân thiện” thì bạn có thể biết luôn là anh ta vừa đi du lịch ở đâu, đi xe gì, có bao nhiêu căn biệt thự, penthouse và vô số điều mà chẳng ai có thể kiểm chứng. Họ sẽ tự đặt cho mình những biệt hiệu vô cùng mỹ miều như là “Thần A”, “Ông hoàng A”, “Nữ hoàng B”, “Người tạo nên triệu phú”,…Ngoài mục đích định vị bản thân, họ làm người nghe choáng ngợp, mê muội và ước mơ có được cuộc sống giống như “kịch sĩ”. Với một nhóm người mê muội và khát khao, các lớp học thậm chí còn bị tôn giáo hóa khi các tông đồ quá kính ngưỡng “giáo chủ” của mình.

Họ có thể chia sẻ một số thông tin cực khó kiểm chứng để tô hồng mình:
-Là bậc thầy bán hàng (ai công nhận?) từng đạt tỉ lệ chốt sale 100% (bán cho một người và bán được thì là 100%. Nhưng bao nhiêu lần được 100%? Với bao nhiêu người? Kéo dài được bao lâu?)
-Là học trò xuất sắc của vua bán hàng thế giới (sau khi tham gia một khóa học đại chúng và được cấp chứng nhận đã tham gia). Người thầy giỏi thì hay khoe trò, còn người trò dốt thì hay khoe thầy (vì bản thân mình không có gì để khoe). Vậy nên những tờ chứng nhận đã tham gia hay hoàn thành chương trình mà không có bài kiểm tra chất lượng đầu ra thì cũng đừng tin.
-Có doanh thu hàng trăm tỷ VND/năm. (với doanh nghiệp doanh thu không quan trọng bằng lợi nhuận. Doanh thu lớn mà lỗ bằng cách bán hàng giảm giá thì cũng chẳng ra sao)
-Từng nắm trong tay tài sản hàng trăm tỷ đồng (có thể khi bitcoin, cổ phiếu, đất sốt thì tài sản chị ấy đạt mức đó. Tuy nhiên, lúc đó chị ấy không hề bán mà đợi cơn sốt tiếp tục tăng. Vậy nên giá trị tài sản hàng trăm tỷ của chị ấy là ảo chứ chưa bao giờ là tiền thật cả).

3, Bài học về cốc nước và tự huyễn hoặc bản thân

“Kịch sĩ” sẽ bắt đầu bằng câu nói: “Khi các bạn muốn học thì các bạn sẽ luôn học được điều mới. Hãy học như những đứa trẻ để hấp thu toàn bộ kiến thức. Bỏ lại những điều bạn đã biết, đổ đi để học điều mới. Nếu bạn học với tâm thế phán xét thì sẽ chẳng học được gì đâu.” Câu nói này không sai nhưng nó cũng cài đặt vào đầu bạn một điều – “kịch sĩ” không bao giờ sai, chỉ có tâm thế của bạn chưa đúng. Vậy nên có những khóa học, tôi tham dự hai lần. Một lần để dùng lý trí để phân tích, một lần tôi sẽ hòa mình để kiểm tra cảm xúc.

Những điều “kịch sĩ” rao giảng bao giờ cũng rất đúng, thậm chí vô cùng đơn giản nhưng mơ hồ. Ví dụ như để thành công thì chúng ta phải chính trực, đặt khách hàng là trung tâm nhưng không bao giờ nói cụ thể làm thế nào để khách hàng là trung tâm và khi đó điều gì cần làm, sẽ tạo ra kết quả ra sao? Bí quyết làm giàu thực sự là cắt mác Trung Quốc và dán tem Việt Nam thì sẽ không bao giờ được tiết lộ.

Bản chất con người là luôn tự suy diễn và tin vào những điều mơ hồ. Ai sinh ra cũng có một sứ mệnh và đi theo tiếng gọi của vũ trụ bạn sẽ thành công. Nhưng sứ mệnh là gì thì rất mơ hồ và phải người thầy cực giỏi mới có thể giúp bạn tìm ra được. Đôi khi, những kiến thức “kịch sĩ” nói rất sơ đẳng, các bạn đều biết nhưng luôn tự huyễn mình là chắc có giá trị đó mình chưa tìm ra nên phải càng cố lắng nghe, càng cố tự suy luận ra những điều cao siêu. Hơn nữa, khi cả đội nhóm có vẻ đều học được một điều gì đó (thực ra họ cũng giống bạn) thì mình đang là kẻ sai, nếu nói ra sẽ bị coi thường và cô lập. Tóm lại là tâm thế bạn sai, bạn kém cỏi nên không hiểu được sự huyền diệu trong bài giảng. Bạn chưa thể hiểu được “tầm” của “kịch sĩ”. Bạn có áp dụng và thất bại là do bạn chưa kiên trì, nỗ lực, hiểu sai bài giảng chứ “kịch sĩ” thì luôn đúng.

Cuối cùng, kiến thức rồi sẽ qua đi chỉ có cảm xúc ở lại. Những điều bạn được nghe nhưng không áp dụng, thực hành liên tục thì sẽ bị quên sạch trong vòng 3 tháng. Những điều “kịch sĩ” biểu diễn bạn sẽ quên nhưng cảm xúc vui sướng trong buổi trình diễn thì sẽ nhớ mãi. Rồi cuối cùng khi người xung quanh hỏi gì về “kịch sĩ”, bạn sẽ trả lời là “dạy rất hay, rất vui”.

Tác giả: Vũ Minh Trường - thành viên khởi nghiệp Việt Nam

Không có nhận xét nào