Tại sao nên đăng ký sáng chế? - Blog Trần Hiếu - Mãi mãi tinh thần phụng sự

Header Ads

Tại sao nên đăng ký sáng chế?


Sáng chế là tài sản quan trọng của doanh nghiệp. Quyền sở hữu trí tuệ có thể là một trong những yếu tố có giá nhất của nhiều sản phẩm.
Ví dụ, MPEG-2 trở thành một tiêu chuẩn kỹ thuật cho công nghệ video trong nhiều sản phẩm tiêu dùng khác nhau. Phí li-xăng đối với công nghệ MPEG-2 cho mỗi đầu DVD là khoảng 2,5 đôla Mỹ - đây là mức phí mà các nhà sản xuất đầu DVD trên thế giới đồng ý trả để sản phẩm của họ tương thích với tiêu chuẩn MPEG-2. Ngoài ra, chủ sở hữu các sáng chế đã thực hiện li-xăng riêng lẻ các sáng chế liên quan đến công nghệ DVD của mình và tổng số phí li-xăng mà họ thu được là khoảng 8,5 đôla Mỹ cho mỗi sản phẩm. Do đó, tổng số phí li-xăng quyền sở hữu trí tuệ cho mỗi sản phẩm DVD là khoảng 11 đôla Mỹ, chiếm khoảng ¼ giá bán lẻ của nó (khoảng 44 đôla Mỹ).



Cũng cần lưu ý rằng việc một công ty có thể có được lợi thế khi đưa sản phẩm ra thị trường đầu tiên, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn các đối thủ cạnh tranh sẽ học được cách sản xuất và đưa sản phẩm tương tự ra thị trường một cách thành công. Ít nhất, đối thủ cạnh tranh cũng tìm ra cách thức sản xuất ra sản phẩm có giá rẻ hơn so với nhà sản xuất đầu tiên. Nếu nhà sản xuất đầu tiên không có các quyền sở hữu trí tuệ đáng kể thì doanh thu của người đó sẽ ngày càng giảm khi ngày càng có nhiều nhà sản xuất tham gia thị trường. Bằng việc khai thác các quyền sở hữu trí tuệ của mình, nhà sản xuất hoàn toàn có thể ngăn cấm người khác sản xuất các sản phẩm tương tự hoặc công ty có thể kiếm được những khoản thu nhập từ các hợp đồng li-xăng mà thể hiện sự thu nhập lành mạnh từ lợi nhuận có được do việc bán sản phẩm mang lại.
a. Nguồn thu nhập
Mô hình khai thác sáng chế truyền thống là tác giả sáng chế duy nhất sở hữu độc quyền sáng chế đối với một sản phẩm quan trọng và sau đó tận hưởng các khoản thu nhập thông qua li-xăng sáng chế cho người khác và/hoặc thông qua việc sử dụng sáng chế của mình để xây dựng một ngành công nghiệp dựa trên sản phẩm được bảo hộ sáng chế (ví dụ, ông Bell và ngành công nghiệp điện thoại). Điều này vẫn có thể xảy ra mặc dù siêu sáng chế của tác giả sáng chế duy nhất càng ngày trở nên khan hiếm. Giờ đây, mô hình phổ biến hơn để một công ty thành công là có nguồn lực để thực thi quyền sáng chế của mình chống lại người khác. Trong khi các công ty nhỏ có thể nhận được khoản thu nhập đáng kể từ việc li-xăng các quyền sáng chế của mình thì nhiều công ty lớn lại có được những khoản thu nhập khổng lồ từ việc li-xăng danh mục sáng chế của họ (ví dụ, IBM nhận được khoảng 2 tỷ đôla Mỹ mỗi năm từ hoạt động li-xăng).
Nhìn chung, tác giả sáng chế nên kỳ vọng thực sự về khoản thu nhập có thể nhận được từ li-xăng sáng chế của mình. Thứ nhất, trên thế giới không có thị trường giao dịch về quyền đối với sáng chế; một số nghiên cứu đã được thực hiện để xây dựng một thị trường giao dịch (giống như thị trường hàng hóa) để li-xăng các quyền sáng chế nhưng vẫn chưa thành. Thứ hai, hiện nay có nhiều sáng chế hơn trước đây. Nhà kinh doanh có thể nhận được hàng trăm sáng chế có liên quan và việc xác định xem sáng chế nào cần nhận li-xăng là một công việc phức tạp. Thứ ba, những vụ tranh chấp về sáng chế trên thế giới ngày càng tốn kém và nhiều chủ sở hữu không có đủ khả năng thực thi quyền của mình chống lại người có hành vi xâm phạm. Đại diện sáng chế cần nhận thức được rằng việc thực thi và khai khác thành công sáng chế đôi khi là rất khó khăn, nhưng đây không phải là nhiệm vụ bất khả thi và phụ thuộc nhiều vào từng hoàn cảnh cụ thể.
b. Lợi ich tiếp thị
Có nhiều luật sáng chế đặt ra yêu cầu chỉ dẫn về sản phẩm được bảo hộ sáng chế. Đối với một số sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm làm từ kim loại thì số bằng độc quyền sáng chế có thể được in lên sản phẩm. Mục đích của yêu cầu chỉ dẫn này là thông báo với công chúng (ví dụ, đối thủ cạnh tranh) rằng không ai được tự do sao chép sản phẩm vì nó được bảo hộ độc quyền sáng chế. Sau đó, nhiều công ty đã nhận ra rằng những chỉ dẫn đó cũng giống như một công cụ tiếp thị có hiệu quả với công chúng. Các công ty thường đề cập “công nghệ được bảo hộ độc quyền sáng chế” của mình trên thông cáo báo chí hoặc tài liệu quảng cáo. Một số công ty thậm chí còn đưa thông tin về danh mục sáng chế của mình lên các tài liệu đầu tư.
Pháp luật sáng chế khuyến khích tác giả sáng chế bộc lộ danh mục sáng chế của mình và điều đó cũng mang lại những lợi ích tiếp thị đối với sản phẩm của họ.
c. Công cụ thương lượng
Sáng chế có các công dụng khác bên cạnh quyền ngăn cấm đối thủ cạnh tranh và/hoặc thu phí li-xăng. Nhiều công ty và tổ chức nghiên cứu đã sử dụng danh mục sáng chế của họ như một công cụ để có được lợi thế cạnh tranh hoặc lợi thế chiến lược. Ví dụ, chủ sở hữu sáng chế có thể sử dụng sáng chế của mình để nhận li-xăng sáng chế của đối thủ cạnh tranh mà công ty mình quan tâm. Chủ sở hữu sáng chế cũng có thể sử dụng danh mục sáng chế của mình để thuyết phục đối thủ cạnh tranh rằng hai công ty nên tiến hành li-xăng danh mục sáng chế cho nhau và loại trừ khả năng tranh chấp giữa hai bên (có thể sẽ gây thiệt hại lớn cho đối thủ cạnh tranh khác không có li-xăng danh mục sáng chế của công ty đó).
d. Kiểm sóat/gây ảnh hưởng đến ngành công nghiệp
Tác dụng trực tiếp nhất của sáng chế là ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền của đối thủ cạnh tranh trong việc sản xuất, sử dụng, bán, chào bán hoặc nhập khẩu sản phẩm hoặc dịch vụ có trong yêu cầu bảo hộ của sáng chế. Trong những trường hợp nhất định, “sáng chế phòng vệ” (blocking patent) cho phép chủ sở hữu kiểm soát một ngành công nghiệp hay một dòng sản phẩm liên quan đến sáng chế. Tất nhiên, yêu cầu bảo hộ của hầu hết sáng chế không rộng đến mức có thể kiểm soát được việc sản xuất toàn bộ sản phẩm thuộc một dòng sản phẩm cụ thể (ví dụ, sáng chế bảo hộ tất cả các loại máy tính). Tương tự, một danh mục sáng chế đầy đủ, một tập hợp các sáng chế trong một lĩnh vực đôi khi sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến toàn bộ ngành công nghiệp.
Pháp luật cạnh tranh của một số quốc gia có thể yêu cầu chủ sở hữu sáng chế phòng vệ phải li-xăng sáng chế của mình cho người khác với các điều kiện hợp lý. Ở một số quốc gia khác thì pháp luật cạnh tranh chỉ có thể thu hẹp khả năng của chủ sở hữu trong việc sử dụng sáng chế để kiểm soát việc bán các sản phẩm không liên quan. Tuy nhiên, Tài liệu này sẽ không đề cập chi tiết về pháp luật cạnh tranh và chống độc quyền.
e. Sử dụng phòng vệ
Chúng ta có thể đã nghe đến thuật ngữ “sáng chế phòng vệ”. Thuật ngữ này có ba ý nghĩa khác nhau.
- Ý nghĩa thứ nhất là sáng chế (hoặc các sáng chế) dùng để “bảo vệ” một sản phẩm, ví dụ, bảo vệ sản phẩm quan trọng nhất của công ty khỏi sự sao chép của đối thủ cạnh tranh
- Ý nghĩa thứ hai là sáng chế dùng để “bảo vệ” công ty trong các vụ kiện về xâm phạm độc quyền sáng chế bởi các đối thủ cạnh tranh.
- Ý nghĩa thứ ba là đề cập đến một chương trình phát triển sáng chế không được bảo hộ đầy đủ hoặc không được đầu tư đủ kinh phí.
Người đọc cần lưu ý rằng có rất ít chương trình phát triển sáng chế phòng vệ có chất lượng mà lại tốn ít kinh phí hơn một chương trình sáng chế tấn công. Một số công ty có thể nắm giữ các sáng chế siêu lợi nhuận mà không bao giờ có ý định li-xăng hoặc thu lợi từ việc li-xăng chúng. Thay vào đó, các công ty này sẽ sử dụng các sáng chế đó để duy trì sự kiểm soát của mình đối với các sản phẩm bằng cách ngăn chặn đối thủ cạnh tranh sao chép các dấu hiệu được bảo hộ theo sáng chế. Việc bán các sản phẩm đó thường, nhưng không phải luôn luôn, mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với li-xăng quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, nhiều chủ sở hữu sáng chế - những người cũng tham gia sản xuất sản phẩm đã ép buộc các đối thủ cạnh tranh phải rời bỏ thị trường hoặc sản xuất các sản phẩm thay thế cho sáng chế của họ (với hy vọng các sản phẩm đó sẽ kém chất lượng hơn).
Sáng chế còn có tác dụng bảo vệ công ty trước các vụ kiện cáo buộc xâm phạm quyền từ đối thủ cạnh tranh. Với việc sử dụng phòng vệ này, công ty hy vọng rằng sáng chế của họ có tác dụng giống như một chiếc khiên trước các đối thủ cạnh tranh có ý định khởi kiện công ty về hành vi xâm phạm sáng chế vì sợ rằng công ty có thể kiện lại họ. Bằng độc quyền sáng chế là “thanh kiếm” chứ không phải là “chiếc khiên” theo nghĩa rằng nó trao cho chủ sở hữu quyền sản xuất sản phẩm được bảo hộ theo sáng chế. Bằng độc quyền sáng chế tạo ra quyền bị động cho phép chủ sở hữu quyết định ai không được dùng sáng chế đó. Tuy nhiên, sáng chế hoặc một nhóm sáng chế có thể bảo vệ chủ sở hữu chống lại các đối thủ cạnh tranh.
Giả sử Công ty A nắm giữ 5.000 bằng độc quyền sáng chế liên quan đến các sản phẩm trong lĩnh vực X và ba đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Công ty A mỗi đối thủ đang nắm giữ 1.500 bằng độc quyền sáng chế trong lĩnh vực đó. Các đối thủ cạnh tranh có thể kiện Công ty A để đạt được một số mục tiêu kinh doanh, nhưng họ cũng sẽ không thể kiện Công ty A vì sợ rằng Công ty A sẽ kiện ngược họ vì đã xâm phạm quyền sáng chế thông qua việc sử dụng danh mục sáng chế lớn hơn của mình.
Một công ty có thể hưởng lợi từ việc có nhiều bằng độc quyền sáng chế hay không phụ thuộc vào phân ngành cũng như các đặc điểm kỹ thuật nổi bật của sáng chế và chiến lược kinh doanh của công ty đó.
Tuy nhiên, một công ty không nên đăng ký sáng chế nếu không có mục đích kinh doanh.

Không có nhận xét nào