Copy writer nên làm gì khi cuộc sống bế tắc - Blog Trần Hiếu - Mãi mãi tinh thần phụng sự

Header Ads

Copy writer nên làm gì khi cuộc sống bế tắc








Bất cứ nghề nào cũng có cái nghiệp riêng của nó, bạn có đồng ý như vậy không? Với người làm Content writer cũng thế, lắm lúc vì thói quen trong cách sử dụng từ, sắp xếp câu… cứ đi qua đi lại nhẵn mặt từ ngày này qua tháng nọ, đã khiến cho công việc của chúng ta cũng bao phen phiền não và gian truân chẳng kém cạnh ai.
Kể từ lúc vị sếp mới bắt tay chúc mừng chúng ta trở thành một content writer của công ty, thì đó cũng chính là lúc bạn và tôi cũng bắt đầu ý thức được rằng: Trách nhiệm của chúng ta là sử dụng con chữ để client của bạn tỏa sáng, và agency của bạn cũng phải được thơm lây. Và thế là chúng ta cứ ngồi vào bàn, nhẹ nhàng mà viết, hết cho brand A lại đến brand B. Chúng ta hừng hực sáng tạo, phục vụ hết campaign X đến campaign Y. Cứ như thế, ngày qua ngày. Content writer cứ viết và trái đất cứ quay.
Thế nhưng, đến một giai đoạn không hẹn trước, chúng ta có thể sẽ lúng túng khi rơi vào hố sâu thẳng tắp và quen thuộc, rồi bế tắc trước đề bài được giao, loay hoay với từng con chữ, ánh mắt trống rỗng trước tờ lịch hẹn ngày nộp nội dung. Và thậm chí là bạn cũng không thể viết được một câu chuyện cho riêng mình trên blog cá nhân, dẫu chỉ cần chính bạn đọc nó mà thôi.
Sự độc đáo đi đâu mất rồi?
Chất gay cấn trong câu  cũng lặn đâu mất rồi?
Tính gợi mở vấn đề cũng trốn đâu mất rồi?
Các câu hỏi kia cứ thi nhau đâm sầm vào bạn mà không chịu khuyến mãi thêm lời giải đáp. Quan trọng hơn nữa, chúng ta không thể nào cứ viết trong tình trạng uể oải và bất lực trước con chữ như thế được. Khách hàng dù có chấp nhận bài viết của bạn hay không, thì content writer phải có ý thức về độ hữu ích của bài viết đầu tiên hơn ai hết.

Làm sao để luôn có ý tưởng mới?

Khoan đã, chúng ta nên tạm thời dừng bút và rời khỏi cái màn hình một chút, quyết tâm phá tan cái khoảnh khắc vô vị ấy và nghĩ xem là mình cần phải làm gì để thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn cứ quay đều đều thế này.
Tôi thì có một ý tưởng: Dùng ánh mắt chân thành và mỉm cười nói với sếp rằng, em xin nghỉ phép ngày hôm đó, ngày hôm sau và có thể là ngày hôm sau nữa. Em sẽ dùng thời gian ấy để tái sinh lại bộ máy cồng kềnh chữ nghĩa của em, em muốn làm cái gì đó mới, em không muốn mình chết dần chết mòn trong những điều quen thuộc đến nhàm chán.
Các hoạt động của tôi gọn lỏn lắm. Co cụm thì có một số điều dưới đây:
  • Hãy mơ mộng. Khoan thai hít thở bầu không khí ngoài trời và pha một tách trà (hoặc cà phê), lãng đãng nhìn ra khoảng không gian trước mặt và nghĩ về những điều không phải là hiện thực lúc này. Đã bao lâu rồi bạn chưa phiêu bồng trong thế giới tưởng tượng như thế. Tìm đọc một cuốn sách hay và cho phép chính mình trở thành nhân vật chính, dù là bối cảnh xa xưa hay đương thời thì cũng sẽ có những biến cố giúp thi vị hóa cảm xúc của chúng ta.
  • Tận hưởng khoảnh khắc một mình. Chỉ khi một mình, bạn mới có cơ hội để chú tâm lắng nghe âm thanh của sự vội vã, nghe nhịp nhàng từng tiếng rao đêm, những tiếng nức nở thầm lặng đó đây. Một mình, bạn có thể thả trôi dòng suy nghĩ về phận người, cảm nhận sâu sắc về những điều mà người khác sẽ hời hợt cho qua, còn bạn thì sẽ cất giữ cẩn thận và ghi nhớ thật lâu.
  • Tự sướng. Đến cửa hàng thời trang, mua cho mình một bộ quần áo mới hoặc một đôi giày mới, nếu nhiều tiền thì cứ mua cả hai. Chụp ảnh “tự sướng” lại, chưa cần post lên Facebook.
  • Đừng giận hờn nữa. Lúc này đây, bạn hãy bình tâm nghĩ về những người đã làm cho mình giận, và những người đã giận mình. Bạn hãy nhớ về điểm tốt của đối phương, thông cảm cho sự ích kỷ của cả hai và bỏ qua lỗi lầm cho nhau. Thời gian để giận hờn một ai đó quá lâu sẽ giết chết đi sự sáng tạo của bạn.
  • Khơi gợi những ký ức đẹp. Hẹn hò cafe với một đứa bạn cũ lâu nay chưa gặp. Tranh thủ trong lúc chờ đợi thì bạn hãy thử viết gì đó vào cuốn sổ tay, như lời bài hát đang nghe, ung dung vẽ những đường nét khó hiểu như Picasso. Khi bạn đến, nhắc lại những trò nghịch ngợm tếu táo ngày xưa, về chuyện tình yêu, chuyện giải trí, chuyện thầy A, bạn B, lớp C… Bạn đừng quên kỷ niệm cũng là một chất xúc tác tuyệt vời cho sự sáng tạo.
  • Xem phim, nghe nhạc và ngắm tranh. Bạn khoan vội cho rằng những hoạt động trên chỉ là giải trí đơn thuần, nếu dành thời gian tập trung thưởng thức thật sự, chúng ta sẽ có rất nhiều điều để suy tư và ngẫm nghĩ.
  • Chụp ảnh. Bạn không cần phải là thợ chụp ảnh chuyên nghiệp, hãy dùng bất cứ phương tiện nào có thể để nắm bắt kịp lúc một đứa bé đang chơi đùa với chó con, một con chim bồ câu trắng đang đậu trên mái hiên, một cụ ông dắt tay cụ bà đi qua đường, một dòng người vội vã chạy tìm chỗ trú mưa… Những hình ảnh ấy rất có thể sau này là câu chuyện xuất hiện trong tác phẩm của bạn.
  • Đi du lịch. Nếu ngày phép bạn vẫn còn thì nhanh chóng đặt 1 vé đi du lịch ngắn ngày, đi lên rừng hoặc xuống biển, đi vào vùng sâu, đi đến vùng xa, đừng đi những nơi quá bằng phẳng. Viết lại những gì trên đường mình đã thấy, về những người xa lạ mình đã gặp, về những món ăn mới, về các công việc đồng áng, chăn nuôi hằng ngày của họ. Viết và viết, đừng bận tâm ai sẽ đọc nó. Khi nào về lại thành phố thì nhớ viết thư cho người bạn vừa quen, về nỗi nhớ chưa kịp nguôi nơi bạn vừa rời xa.
Ý tưởng cuối cùng: Hãy viết như thể thời khắc này sẽ trôi qua mãi mãi. Viết cho chính bạn, và đừng bận tâm bao nhiêu người sẽ “Like” hoặc thu hút bao nhiêu lượt “Comment”
Sau đó, đến ngày quay lại làm việc, bắt tay vào dự án mới, hãy nhắm mắt mơ tưởng, suy nghĩ và bắt đầu viết…

Dĩ nhiên thì không có chuẩn nào giữa vô vàn những cái chuẩn giúp content writer thư thái và tái tạo lại năng suất sáng tạo, nhưng “tránh trời không khỏi nắng”, chúng ta vẫn nên phòng bị cho mình một số bí quyết để thổi luồng sinh khí mới cho bài viết, tìm kiếm các đề tài mới lạ ở những thiên hà xa xôi khác. Tất cả cũng nhằm mục đích thỏa mãn yêu cầu của các vị khách hàng khó tính và để bản thân mình tận hưởng “cái đẹp” từ những con chữ.
Và trên hết, chúc bạn luôn hài lòng với những gì bạn viết.
Nguồn: Time Universal

Không có nhận xét nào