5 CÔNG THỨC VIẾT QUẢNG CÁO *SIÊU NGẮN-SIÊU DỄ* dành cho những COPYWRITER BẬN RỘN – Kỳ 3
Công thức #3:
CÔNG THỨC 4C
Khác với hai công thức trước, 4C không hẳn là một sườn bài, mà nó còn là 4 tiêu chí giúp chúng ta đảm bảo được nội dung bài viết của mình chắc chắn chiếm được lòng tin của người đọc.
Dù bạn viết quảng cáo cho website hay cho báo chí, dù bạn chọn hình thức quảng cáo bằng văn viết hay bằng lời nói, độc giả tin bạn khi và chỉ khi nội dung quảng cáo của bạn đáp ứng được 4C:
1. CLEAR – Rõ ràng: Văn bản phải rõ ràng và tuân thủ ngữ pháp cơ bản để bất kỳ ai cũng có thể đọc và hiểu được.
2. CONCISE – Chính xác: Sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác để độc giả hiểu ĐÚNG thông điệp bạn đang muốn truyền đạt – rằng đây là một sản phẩm vượt trội và đáng để họ chi tiền mua ngay bây giờ. Không được để người đọc hiểu nhầm hay có cảm nhận sai lệch những gì bạn viết theo bất kỳ ý nghĩa hay cách hiểu nào khác!
3. COMPELLING – Thuyết phục: Chúng ta đang viết một văn bản để thuyết phục độc giả – tức yêu cầu họ thực hiện một hành động theo ý mình muốn (cụ thể là mua sản phẩm của mình) – chứ không phải để họ đọc vui rồi thôi. Hãy đảm bảo rằng bài viết quảng cáo của bạn được trình bày từ một góc nhìn gần gũi hoặc gắn liền với vấn đề của người đọc, khơi gợi nhu cầu hoặc khao khát trong họ. Từ đó, hãy đưa ra một yêu cầu hoặc mệnh lệnh cụ thể đối với độc giả: hướng dẫn họ những việc cần làm tiếp theo để giải quyết vấn đề hoặc đáp ứng nhu cầu hoặc khao khát mà họ vừa nhận ra.
Bài viết quảng cáo (hay còn được giới quảng cáo Việt Nam gọi là viết PR) khác văn bản thông thường chính là ở những nội dung thuyết phục và kêu gọi hành động: Độc giả đọc xong và phản hồi bài viết bằng một hành động cụ thể – thay vì đọc xong rồi thôi. “Compelling” chính là linh hồn của mọi bài viết quảng cáo.
4. CREDIBLE – Đáng tin cậy:
Không có niềm tin, sẽ không có một giao dịch mua bán nào được phép xảy ra. Những công ty hoặc tập đoàn lâu năm không gặp khó khăn gì với chữ C thứ tư này, bởi họ đã xác lập và định vị thương hiệu của mình thành công trên thị trường và đã được dân chúng biết đến từ đó đến nay. Với những nhà khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ, hãy xác lập niềm tin cho người đọc bằng cách cung cấp tên tuổi và thông tin liên lạc cụ thể của doanh nghiệp: tên công ty, địa chỉ, điện thoại liên lạc, email…
Ngoài ra, chế độ bảo hành, bảo đảm hoặc cho phép đổi trả sản phẩm trong điều kiện cho phép chính là vài cách thức giúp bạn gây dựng lòng tin của khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
*Kỳ tới: Công thức #4 – “5 Mảnh Ghép Hoàn Hảo” của Sonia Simone
Post a Comment