4 BƯỚC *MIỄN PHÍ* giúp Bạn khởi nghiệp kinh doanh online sản phẩm của-riêng-mình – Kỳ 2 - Blog Trần Hiếu - Mãi mãi tinh thần phụng sự

Header Ads

4 BƯỚC *MIỄN PHÍ* giúp Bạn khởi nghiệp kinh doanh online sản phẩm của-riêng-mình – Kỳ 2


Bước 2:

ĐỊNH GIÁ HỢP LÝ CHO SẢN PHẨM


Một trong những việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại cực kỳ đau đầu cho những bạn trẻ đang kinh doanh các sản phẩm do chính mình làm ra chính là định giá sản phẩm– làm sao để giá thành sản phẩm vừa được người tiêu dùng chấp nhận, vừa phải đảm bảo thu được đủ lợi nhuận để tái sản xuất hoặc đầu tư để duy trì việc kinh doanh.


“Việc khởi nghiệp của bạn chắc chắn sẽ thất bại nếu:

1- Giá thành sản phẩm chỉ bao gồm tiền nguyên vật liệu mà chưa tính đến những chi phí khác;

2- Hạ giá quá mức chỉ để cạnh tranh với những thương hiệu lớn bất chấp điều kiện của bản thân.”

— Lời khuyên của blogger Bev Feldman



Nếu bạn đang kinh doanh sản phẩm handmade hoặc các mặt hàng thủ công, hãy lưu ý điểm đặc thù của những sản phẩm này: Người ta mua chúng vì tính chất thủ công và tính thẩm mỹ độc đáo của chúng – chứ KHÔNG PHẢI vì giá thành. Việc bạn tập trung vào lợi điểm giá rẻ với những loại sản phẩm như thế này hoàn toàn vô ích – điều này không hề có tính chất thuyết phục nhóm khách hàng chính của chúng.

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, tôi đề xuất bạn đọc cuốn sách “Chiến lược viết quảng cáo hoàn hảo cho doanh nghiệp” của A. W. Shaw. Đây có thể xem là cuốn tài liệu duy nhất trên thị trường sách Việt Nam hiện nay hướng dẫn cho người đọc cách xác định và phân loại những lợi điểm bán hàng của sản phẩm: đâu là những luận điểm thứ yếu và đâu là những động cơ mua sắm cần phải được tác động mạnh mẽ nhất.

Để định giá hiệu quả những sản phẩm do chính mình làm ra, sau đây là những điều kiện chúng ta cần xem xét:

– Giá thành các nguyên vật liệu để làm ra sản phẩm;

– Thời gian hoàn thành sản phẩm;

– Những chi phí đầu vào khác nếu có: tiền thuê mặt bằng, chi phí điện-nước, chi phí vận chuyển hoặc phân phối,… và những khoản tiền khác bạn phải chi ra để làm nên được sản phẩm và đảm bảo việc kinh doanh.

Dù bạn tính toán thế nào, hãy đảm bảo rằng giá thành sản phẩm giúp bạn có tiền lời trên mỗi đầu sản phẩm được bán ra. Đừng tính toán quá sít sao, bởi chúng ta kinh doanh chính là để kiếm được tiền và để sống – một yêu cầu hoàn toàn chính đáng.

Sau khi bạn đã tính ra được giá tiền sản phẩm dựa trên những nguyên tắc tôi vừa nêu, hãy hít thở thật sâu để đọc hướng dẫn kế tiếp của tôi:

Hãy nhân đôi số tiền bạn vừa tính ra!

Giải thích: Giá tiền đầu tiên bạn tính ra trước khi nhân đôi gọi là giá bán sỉ – bạn sẽ áp dụng giá tiền này đối với những đơn hàng đặt mua số lượng lớn, chẳng hạn như khi bạn phân phối cho các cửa hàng hoặc hệ thống bán lẻ khác.

Số tiền sau khi nhân đôi chính là giá tiền chính thức bạn sẽ áp dụng để bán lẻ – trong trường hợp bạn mở cửa hàng của riêng mình để bán trực tiếp cho khách hàng của mình. Giá tiền này áp dụng cho cả cửa hàng truyền thống lẫn online.

Lấy giá tiền bán lẻ trừ đi giá bán sỉ sẽ ra chiết khấu – phần tiền lời mà các nhà phân phối hoặc hệ thống cửa hàng bán lẻ của đối tác nhận được khi họ đồng ý phân phối sản phẩm của bạn.

Nhiều bạn trẻ gặp khó khăn trong việc kinh doanh có lời chính là vì chưa được dạy cách phân biệt những khái niệm trên trong việc định giá. Bản thân tôi cũng từng tốn rất nhiều thời gian trầy trật trong giai đoạn đầu khởi nghiệp chỉ vì không một trường lớp chính quy nào giảng giải cụ thể về những khái niệm thực tế này. Hy vọng bài viết ngày hôm nay của tôi giúp các nhà khởi nghiệp trẻ sáng tỏ được vài vấn đề liên quan đến quản lý tài chính trong bán hàng và đề ra được giá thành hợp lý cho các sản phẩm của mình.

Hãy đón xem hai bài viết kế tiếp để lĩnh hội các cách thức miễn phí để tiếp thị sản phẩm của mình đến với công chúng:

*Kỳ tới: Bước 3 – Viết quảng cáo cho sản phẩm 

Không có nhận xét nào