TRUYỀN THÔNG THƯƠNG HIỆU – LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHIẾM LĨNH THỊ TRƯỜNG VỚI CHIẾN LƯỢC DÀI HẠN?
Xây dựng một thương hiệu đẹp trong lòng người tiêu dùng luôn là điều khiến các doanh nghiệp cố gắng không ngừng nghỉ. Bên cạnh việc đưa ra thị trường một sản phẩm mang chất lượng tốt, mức định giá hấp dẫn thì việc xây dựng được chiến lược truyền thông cụ thể là một việc làm hết sức quan trọng, giúp thương hiệu chuyển tải thông điệp của mình đến khách hàng nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Vậy làm thế nào để xây dựng chiến lược truyền thông marketing hiệu quả? Làm thế nào để khách hàng ưa chuộng và trở thành sự lựa chọn hàng đầu của họ? Đây vẫn luôn là câu hỏi thường gặp của doanh nghiệp và bài viết dưới đây sẽ là câu trả lời cho câu hỏi đó.
Người tiêu dùng ngày càng thông minh và có nhiều sự lựa chọn hơn, bởi vậy việc doanh nghiệp mang sản phẩm đi quảng cáo các chức năng, tính ưu việt, lợi ích của sản phẩm thôi là chưa đủ. Điều cần thiết là xây dựng mối quan hệ với khách hàng và duy trì, củng cố mối quan hệ này. Để khách hàng biết đến là dễ, nhưng để khách hàng tin tưởng, yêu quý là điều rất khó. Điều này phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp truyền thông thương hiệu như thế nào.
HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THÔNG: HÀNH TRÌNH TIẾP CẬN KHÁCH HÀNG
Mục tiêu cuối cùng của truyền thông marketing là gây ảnh hưởng để khách hàng ra quyết định mua hàng. Nhưng mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi trải qua một hành trình gồm các bước sau:
1. Xây dựng nhận thức – Đánh thức nhu cầu tiềm ẩn: Khách hàng sẽ không mua một sản phẩm, dịch vụ nếu không có bất cứ nhận thức nào. Trường hợp này thường gặp khi doanh nghiệp đưa ra một sản phẩm hoàn toàn mới trên thị trường. Nếu chỉ bán sản phẩm theo cách thông thường “mua đi, mua đi” thì sẽ không hiệu quả. Chúng ta cần Educate (giáo dục) để khách hàng nhận thức được vấn đề. Và câu chuyện của VinFast là một ví dụ điển hình khi thu hút được sự chú ý của mọi tầng lớp công chúng ngay từ khi tung ra sản phẩm. Kỷ lục hơn một triệu người xem livestream về sự kiện là một con số mơ ước với nhiều thương hiệu trên thế giới, không chỉ riêng ở Việt Nam. Các thống kê về số lượng bài báo quốc tế và Việt Nam, lượt nhắc đến trong các cuộc thảo luận trên mạng xã hội về sự kiện ra mắt Vinfast chắc chắn đã xô đổ mọi kỷ lục “talking about” trước đó. Kế hoạch truyền thông cũng được triển khai tốt khi cân bằng được 3 kênh truyền thông chính: truyền thông tự có (website, fanpage, hệ sinh thái truyền thông tập đoàn, cán bộ nhân viên), truyền thông trả tiền (trong và ngoài nước, truyền hình trực tiếp trên các kênh lớn), truyền thông tự lan tỏa (người đến dự triển lãm, người quan tâm, người trong giới và cư dân mạng nói chung).
2. Cung cấp kiến thức và tạo ấn tượng tích cực: Đây là bước liên quan đến việc cung cấp thông tin về đặc tính của sản phẩm, dịch vụ. Sản phẩm là gì, có những công dụng gì?,… Khách hàng không mua đặc tính sản phẩm, điều họ cần là lợi ích, những thứ làm cho cuộc sống của họ tốt hơn. Với sự tham gia của những tên tuổi hàng đầu thế giới trong chuỗi sản xuất của mình, khách hàng sử dụng xe sẽ được trải nghiệm chiếc xe với đặc điểm “Bản sắc Việt – Thiết kế Ý – Kĩ thuật Đức – Tiêu chuẩn Quốc tế”.
3. Đạt được vị thế trong tâm trí khách hàng: VinFast được viết tắt bởi các từ: “Việt Nam – Phong cách – An toàn – Sáng tạo – Tiên phong”. Điều này mang hàm nghĩa tự tôn dân tộc và đáp ứng niềm mong mỏi sở hữu một thương hiệu ô tô Việt trong nhiều thập kỷ của người dân Việt Nam. Sự ra đời của VinFast không chỉ góp phần “viết nên giấc mơ xe hơi của người Việt” mà còn mở ra kỷ nguyên phát triển dựa trên công nghệ và tri thức cho Vingroup, đồng thời tham gia thúc đẩy ngành công nghiệp cơ giới tại Việt Nam.
4. Tạo ra sự quan tâm mua hàng: Nếu công tác marketing đã làm tốt các bước đầu trong quy trình này, khách hàng sẽ quyết định mua hàng. “Là một người yêu xe, nên dù có bận bịu hay phải đợi khoảng 1 tiếng để có thể đặt cọc những con xe cuối cùng, mình cũng chấp nhận đợi“.
5. Thực hiện giao dịch: Nếu các bước trên đã hoàn tất, khách hàng tiềm năng sẽ trở thành khách hàng thực sự.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHIẾM LĨNH THỊ TRƯỜNG VỚI CHIẾN LƯỢC TRUYỀN THÔNG DÀI HẠN?
Có rất nhiều cách đầu tư cho các chiến lược truyền thông dài hạn cho doanh nghiệp và cũng ngày càng dễ vung tiền qua cửa sổ cho việc đó. Dưới đây sẽ mô tả cụ thể hơn về cách thức quản lý truyền thông nhằm tối ưu hóa hiệu quả ngân sách cho doanh nghiệp.
Xây dựng thương hiệu
Đầu tiên, hãy bắt đầu với việc xây dựng thương hiệu. Trong các công cụ truyền thông, đó là phần ảnh hưởng đến thương hiệu lâu nhất, thậm chí kéo dài trong hàng thập kỷ. Khách hàng có những cách nhận diện thương hiệu khác nhau, nhưng doanh nghiệp có thể tạo ảnh hưởng mạnh mẽ bằng những công cụ đánh thẳng vào trực giác như: màu sắc, logo, bộ phông chữ, định dạng thương hiệu, slogan,… Một khi đã sắp đặt, trau chuốt và truyền tải nhất quán các yếu tố trên, doanh nghiệp đã xây dựng được một hình ảnh thương hiệu và gắn kết với khách hàng theo cách gần gũi và đầy xúc cảm nhất.
Không chỉ vậy, sự nhất quán thương hiệu là điều các doanh nghiệp cần kiên trì phấn đấu trong suốt quá trình phát triển. Có thể khẳng định Coca-Cola là thương hiệu nổi tiếng và lâu đời nhất trên thế giới với hàng loạt chiến lược tiếp thị khôn ngoan, sử dụng nhiều kênh truyền thông đa dạng. Nhưng sự nhất quán mới chính là chìa khóa cho thành công của họ. Sử dụng logo đơn giản, kiểu chữ màu trắng, nền đỏ tươi sáng không lẫn vào đâu được và quen thuộc với tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi. Duy trì sự nhất quán của thương hiệu là cách thể hiện sự chuyên nghiệp, thể hiện nỗ lực nhằm đạt được những mục tiêu và gìn giữ các chuẩn mực của một công ty. Khi bám chắc vào các giá trị thương hiệu và duy trì một hình ảnh nhất quán, doanh nghiệp sẽ tạo nên cách nhìn tích cực về thương hiệu, cả trong những lúc thuận lợi hay khó khăn.
Chúng ta cần làm gì?
Khác biệt hóa thương hiệu: Làm khác đối thủ để trở nên khác biệt. Chỉ có những thương hiệu có chiến lược thương hiệu tốt và có tư duy sáng tạo mới tạo được dấu ấn riêng cho mình.
Thiết kế đẹp, câu chữ hay, xây dựng một bộ nhận diện thương hiệu đẹp vẫn chưa đủ. Hãy đảm bảo mọi yếu tố đều dựa trên một chiến lược khác biệt hóa thương hiệu rõ ràng. Đây là mô hình chiến lược hướng đến lợi thế cạnh tranh bền vững với triết lý làm những gì đối thủ chưa làm hoặc có các hoạt động giống đối thủ nhưng làm theo cách khác biệt hơn.
Để làm được điều đó, đầu tiên hãy chỉ ra những đặc tính giúp thương hiệu của bạn khác biệt so với đối thủ. Sau đó, chỉnh sửa xem yếu tố nào sẽ mang lại lợi ích thực sự cho khách hàng và cân nhắc giữa các cách tiếp cận về cảm xúc mà thương hiệu có thể làm để tạo ra sự khác biệt. Cuối cùng, tìm ra điểm khác biệt thực sự và định vị thương hiệu doanh nghiệp mình.
Một ví dụ điển hình là trường hợp của VietJet Air với slogan “Giá rẻ hơn, bay nhiều thêm”. Rẻ, rẻ nữa, rẻ mãi là một thông điệp đơn giản, dễ hiểu và cực kỳ hấp dẫn, đặc biệt là trong thời buổi kinh tế khủng hoảng hiện nay. VietJet Air đã ý thức được giá rẻ không có nghĩa là bỏ qua việc xây dựng thương hiệu mà nó chính là điểm khác biệt khiến khách hàng chào đón họ. Sự khác biệt trong cách truyền thông, tạo dựng hình ảnh trẻ trung, năng động và tràn đầy cảm hứng, điều mà các đối thủ chưa làm được.
Đối với những sản phẩm, dịch vụ tương đồng trên thị trường thì người tiêu dùng rất khó để tìm ra điểm khác biệt lý tính. Trong những trường hợp như vậy, sự khác biệt về giá trị cảm xúc lại chính là yếu tố níu chân khách hàng quay trở lại. Để truyền tải các đặc tính đó, cần dẫn dắt cảm xúc người tiêu dùng trên hành trình các “điểm chạm”. Từ khi họ bắt đầu có cảm xúc với thương hiệu cho đến lúc mua hàng và những trải nghiệm chăm sóc hậu mãi. Làm thế nào để biến mỗi “điểm chạm” trở thành một trải nghiệm cảm xúc đáng nhớ và tạo thành điểm nhấn trong chiến lược tạo ra sự khác biệt.
Xây dựng kế hoạch Marketing
Nếu xây dựng thương hiệu là tối quan trọng trong chiến lược truyền thông xây dựng hình ảnh lâu dài thì Marketing là hoạt động thúc đẩy bán hàng, một chiến thuật khuyến khích mua hàng. Đối với từng chiến lược truyền thông, chúng ta cần cân nhắc đến các mục tiêu marketing theo tuần/tháng/năm/quý của doanh nghiệp. Marketing luôn vận động và thay đổi nhanh chóng theo điều kiện thị trường. Bởi vậy, các kế hoạch truyền thông marketing thường chỉ hiệu quả trong vòng một năm, thậm chí đối với quảng cáo thì chỉ hiệu quả trong vài ngày.
Chẳng hạn như, trường hợp của Nestle – một tên tuổi sáng giá của ngành hàng tiêu dùng nhanh qua nhiều thời kỳ, luôn nắm vị trí “dẫn trước” các đối thủ còn lại bởi một chiến lược marketing hoàn hảo. “Mang từng sản phẩm đến từng gia đình”, điểm mạnh lớn nhất của hãng là có một hệ sinh thái sản phẩm vô cùng lớn với từng nhóm hàng, tạo ra cho khách hàng nhiều sự lựa chọn. Nestle nổi tiếng về chất lượng và hương vị của sản phẩm và đây cũng là minh chứng cho việc Nestle nghiên cứu rất kỹ thói quen sử dụng của từng thị trường, tạo ra nhiều sản phẩm tấn công đến khách hàng. Chiến lược này của Nestle đạt được thành công vô cùng lớn với số người sử dụng sản phẩm của mình ở mức rất cao.
Chúng ta cần làm gì? Đối với các mục tiêu marketing thì đều phải đo lường cụ thể kết quả cần đạt được trong phân khúc đã xác định. Hãy để tâm đến mục đích truyền thông, với mỗi kế hoạch chỉ nên tập trung vào một thông điệp chính và chỉ những ý tưởng rõ ràng mới có thể đến được người tiếp nhận.
Kết nối với khách hàng
Chi phí truyền thông marketing để đẩy mạnh hình ảnh và nâng cao hiệu quả cho hoạt động kinh doanh luôn là một bài toán khó đối với mỗi doanh nghiệp. Để hoạt động Marketing đạt hiệu quả thì việc xác định được tính lãng phí, tính hiệu quả chi phí Marketing và khả năng sinh lời của từng kênh phân phối là rất quan trọng. Bởi vậy, hãy đưa ra nhiều phương án truyền thông và lựa chọn một quyết định hiệu quả nhất về mặt kinh tế để thực hiện chúng.
Chúng ta cần làm gì? Thay vì vội vàng lựa chọn phương tiện truyền thông marketing ngay từ đầu, hãy tập trung vào đối tượng khách hàng mục tiêu mà bạn muốn tiếp cận. Lối sống, nhu cầu của họ có thể dẫn đường để bạn khám phá những phương thức truyền thông hiệu quả hơn. Đặc biệt, với ngân sách nhỏ, đừng chia nhỏ ra để tiếp cận những nhóm khách hàng khác nhau. Hãy lựa chọn phân khúc và chỉ khi đã kiếm đủ lợi nhuận từ phân khúc đó bạn mới bắt đầu dịch chuyển sang phân khúc tiếp theo.
Đo lường và nghiên cứu
Bạn nên chi tiêu bao nhiêu cho truyền thông thương hiệu? Câu trả lời ngắn gọn: Nó còn tùy thuộc vào đối thủ của bạn là ai và họ đang tiêu tiền vào việc gì.
Chúng ta cần làm gì? Để ước lượng ngân sách, hãy bỏ chút thời gian để đầu tư và nghiên cứu đối thủ họ đang sử dụng phương thức truyền thông nào và từ đó tính toán chi phí. Sử dụng con số đó như một phương án ngân sách, tìm kiếm các phương tiện phù hợp với đối tượng mục tiêu cũng như tính cách thương hiệu của bạn. Hãy thử dành một phần ngân sách để thử nghiệm một vài phương tiện truyền thông mới đang được ưa chuộng và phù hợp với chiến lược khác biệt hóa thương hiệu. Bởi chúng có thể mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều đấy.
Cân đối các phương án truyền thông thương hiệu sẽ tốn nhiều thời gian hơn, nhưng lợi thế cạnh tranh so với đối thủ và khả năng chiếm lĩnh thị trường sẽ chứng minh công sức bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng.
Nguồn: Quản trị phân phối
Post a Comment