ĐỘI NGŨ SALES 9X – BÀI TOÁN KHÓ ĐỂ TUYỂN VÀ GIỮ - Blog Trần Hiếu - Mãi mãi tinh thần phụng sự

Header Ads

ĐỘI NGŨ SALES 9X – BÀI TOÁN KHÓ ĐỂ TUYỂN VÀ GIỮ

Hiện nay, xu hướng trẻ hóa nhân sự đang được quan tâm và đầu tư nhiều hơn. Một số doanh nghiệp đã có chính sách ưu tiên tuyển dụng sinh viên mới ra trường, thậm chí còn sẵn sàng đầu tư vào các trường đại học để chiêu dụ nhân tài về cho mình. Mặc dù kinh nghiệm còn “non”, khả năng thực tiễn còn ít nhưng ở họ có những thế mạnh đặc biệt mà không phải nhân sự kì cựu nào cũng có thể sánh bằng.

Doanh nghiệp buộc phải trẻ hóa đội ngũ nhân sự để gia tăng sự sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng điều đáng nói là nhân viên sale thế hệ 9x thường không có khả năng chịu áp lực và thích ứng với môi trường tốt như các thế hệ trước. Lý do tại sao? Và làm thế nào để tuyển dụng và đào tạo đội ngũ sale 9x? Hãy cùng tham khảo trong bài viết dưới đây.
TUYỂN SALES 9X – TẠI SAO KHÓ ĐẾN VẬY?
Đầu tiên phải nói đến là thời điểm, từ một nền kinh tế lạc hậu, kém phát triển giờ đây đã có những chuyển mình vượt bậc, tốt hơn rất nhiều so với các thế hệ trước. Hơn nữa, quan niệm “hy sinh đời bố, củng cố đời con” vẫn luôn nằm trong tiềm thức của các bậc phụ huynh Việt. Đa số họ đều cho rằng mình đã phải chịu nhiều khó khăn, vất vả của thời bao cấp, kiếm miếng ăn còn khó chứ chẳng dám nghĩ tới việc làm giàu. Và khi mình đã chịu khổ rồi thì không ai muốn con cháu mình tiếp tục cảnh đó, thậm chí trước đây bố mẹ càng nghèo khó thì càng muốn con mình phải sung sướng.
Có một thực tế rằng, nhiều bạn trẻ luôn quan niệm làm kinh doanh, tệ hơn là làm nhân viên bán hàng là nghề “bán nước bọt”, phải mồm mép, họ thà làm gì đó ít tiền mà được ngồi mát ở văn phòng còn hơn là lăn lộn ngoài đường để “bán hàng”. Bất giác ai cũng có một cơ chế tự vệ, ngay lập tức phản ứng rất mạnh với nghề này. Hơn nữa, không có một trường hay cơ sở nào cung cấp bằng cấp chính thống cho nghề này nên họ thường rỉ tai nhau rằng “Đi làm sales là không có nghề”.
Đa số các doanh nghiệp vẫn loay hoay với bài toán tìm kiếm nhân viên sales. Tuyển đã khó nhưng để có được những nhân viên phù hợp và gắn bó lâu dài chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ.
CUNG VÀ CẦU: HAI ĐƯỜNG THẲNG SONG SONG
Làm sales là một công việc đặc thù mà mỗi người lại mang một phong cách riêng, rất khó để đưa ra các nhận định tiêu chuẩn để dẫn đến thành công, cho dù là chuyên môn, trình độ học vấn, sự tự tin, khả năng ăn nói lưu loát,… Điều này cũng là một điểm khiến các nhà tuyển dụng đau đầu khi tìm kiếm ưu điểm của ứng viên để có được những nhân viên xuất sắc trong tương lai. Điều quan trọng là rất khó thu hút được nhiều ứng viên để chọn lựa, các doanh nghiệp thường phải bỏ ra một khoản ngân sách lớn để quảng cáo tuyển dụng, chủ động tìm kiếm thông tin ứng viên từ các trang tin tuyển dụng.
Đặc biệt, sales là một nghề được tuyển dụng với số lượng lớn, thường xuyên (chiếm 40% nhu cầu của các doanh nghiệp) trong khi đó, nguồn cung mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Cùng với đó, mức độ ổn định, gắn bó thấp là yếu tố chính khiến cho sinh viên mới ra trường hay thế hệ 9x nói chung luôn cảm thấy dè chừng khi nộp hồ sơ ứng tuyển vào vị trí này. Việc di chuyển nhiều ngoài đường vất vả, gặp gỡ, trò chuyện và ứng xử khéo léo với nhiều kiểu người khác nhau là điều không phải ai cũng thích ứng được. Trong khi đó, cần phải đạt mức chỉ tiêu về doanh số mới có mức lương ổn định, nếu không thì sẽ bị “loại khỏi cuộc chơi”. Tâm lý lo sợ khi phải đối mặt với nhiều khó khăn, những áp lực trong công việc khiến nhiều bạn trẻ không dám đặt chân vào mảng công việc này cho dù nó được xem là vị trí mang lại cho họ nhiều kỹ năng, kinh nghiệm nhất khi mới bước những bước chập chững khỏi giảng đường đại học.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp đưa ra các chính sách tuyển dụng nhân viên sale ồ ạt, không yêu cầu đầu vào quá nhiều khiến nguồn nhân lực giảm chất lượng, không như mong đợi. Dẫn đến hệ quả là người vào nhiều, người ra cũng không ít, tạo nên tâm lý tiêu cực của những ứng viên đến sau. Nếu không tìm ra lời giải cho bài toán này, cung và cầu trong tuyển dụng nhân viên sales sẽ khó “ăn khớp” với nhau mà chỉ giống như hai đường thẳng song song không thể giao nhau.
bài toán tuyển và giữ sale 9x
LỜI GIẢI CHO CÁC DOANH NGHIỆP
Tuyển dụng: Đa phần các doanh nghiệp SMEs tuyển dụng đơn giản chỉ là kiểm tra năng lực đầu vào của nhân viên và hỏi nhu cầu họ mong muốn. Nhưng với nhân viên mới thường không dám hỏi hoặc họ nghĩ mà không thể hỏi cụ thể được.
Bởi vậy, ngay từ khâu đầu vào doanh nghiệp cần nhận thức rõ ràng về con đường thăng tiến, điểm vượt trội của mình so với đối thủ cùng ngành. Với các doanh nghiệp lớn, cần giới thiệu nhấn mạnh vào ưu thế về thương hiệu. Còn nếu doanh nghiệp còn nhỏ hơn đối thủ thì cần tập trung nói nhiều hơn về cơ hội thăng tiến nếu được làm việc tại doanh nghiệp. Đó cũng chính là ưu thế của từng mô hình doanh nghiệp. Sau đó, cần vạch ra lộ trình thăng tiến rõ ràng, đầy đủ các quy định về năng lực, trách nhiệm trong công việc, thậm chí là những tấm gương để ứng viên thấy được cơ hội mà họ có thể nắm bắt.
Các bài kiểm tra đầu vào cần đầy đủ kiến thức và đặc biệt phải “hợp thời”. Đầy đủ nghĩa là tập hợp các đề bài đủ độ thử thách, đa dạng để kiểm tra hết năng lực. Hợp thời nghĩa là kiến thức cập nhật, nắm bắt nhanh các xu hướng trên mạng xã hội.
Môi trường làm việc cũng là một lý do, ứng viên sẽ cảm thấy chán nản với những văn phòng bừa bộn, thiếu ngăn nắp và “giao diện” không bắt mắt. Đôi khi họ cần một chỗ làm tối thiểu có thể selfie cho “ra dáng”. Vì vậy hãy bố trí văn phòng gọn gàng, đẹp mắt, chuyên nghiệp để tạo nên một môi trường làm việc hoàn hảo hơn trong mắt ứng viên. Tóm lại, doanh nghiệp cần chuẩn bị chu đáo trước khi “mở rộng vòng tay” đón các nhân viên thế hệ 9x, từ hình thức cho tới chuyên môn, lộ trình thăng tiến trong tương lai. Đôi khi nhiều doanh nghiệp gặp ứng viên phù hợp thì mừng quá muốn tuyển họ vào ngay. Nhưng điều này sẽ vô tình làm ứng viên cảm thấy lo lắng và gây ra cảm giác “thiếu chuyên nghiệp”.
Điều này cũng tạo điều kiện “ươm mầm cho các sinh viên mới ra trường có cơ hội thử sức, rèn luyện cũng như thể hiện bản thân. Từ việc đa dạng cách thức tìm kiếm ứng viên đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, điều kiện làm việc để bất cứ nhân viên nào cũng muốn gắn bó làm việc lâu dài.
Giữ chân: Đa phần giới trẻ thường khao khát thể hiện năng lực và cái tôi bản thân, thậm chí họ còn muốn làm mình nổi trội hơn so với thế hệ trước đó. Bởi vậy, hãy tổ chức các buổi đào tạo, huấn luyện để bổ sung kiến thức giúp nhân viên không bị tụt hậu đã đành, mà họ còn có thêm những kinh nghiệm thực tế khi được thực chiến trong công việc.
Cũng do cái tôi lớn nên nhiều khi họ không cần mức lương quá cao, điều họ cần là sự đánh giá, nhận xét mang tính tích cực từ phía nhà quản lý để cải thiện bản thân hơn. “Một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”. Nhân sự sẽ cảm thấy an tâm hơn nếu gặp sếp gần gũi, tâm lý và thấu hiểu họ. Không đơn thuần chỉ là mối quan hệ giữa sếp và nhân viên mà còn là người thầy với học trò, người anh em trong gia đình.
Bài toán TUYỂN và GIỮ đội ngũ sales 9x vẫn luôn là một trở ngại với các doanh nghiệp, ngày đến cả các doanh nghiệp lớn cũng đang tìm cách thức hiệu quả nhất cho hoạt động nhân sự của mình. Mong rằng với những phân tích trên, các doanh nghiệp có thể tìm ra lời giải phù hợp cho bài toán tuyển đúng nhân viên của mình.
Nguồn: Quản trị phân phối

Không có nhận xét nào