CON NHÀ GIÀU DỰA HƠI BỐ MẸ CÓ CÔNG BẰNG KHÔNG? THẬT RA, RẤT CÔNG BẰNG - Blog Trần Hiếu - Mãi mãi tinh thần phụng sự

Header Ads

CON NHÀ GIÀU DỰA HƠI BỐ MẸ CÓ CÔNG BẰNG KHÔNG? THẬT RA, RẤT CÔNG BẰNG

Tôi nhận được tin nhắn đầy kích động của một fan hâm mộ như thế này: “Mễ Mông thân mến, tôi muốn hỏi chị một việc. Chị có biết ở đâu bán khẩu AK-47 không? Tôi muốn bắn vỡ sọ thằng bạn cùng phòng của tôi. Chuyện là như thế này, tối hôm qua tôi dẫn bạn gái đi thuê phòng khách sạn. Sau đó tôi gặp bạn cùng phòng của mình…”


Tôi bắt đầu tưởng tượng, thế rồi mấy người họ 3P và vì vậy anh ta mới muốn giết bạn cùng phòng chăng?
Chết tiệt, mọi chuyện lại không phải vậy, buồn cho cái tâm tình hóng hớt đang hừng hực cháy trong lòng tôi.
Fan hâm mộ của tôi kể, giờ anh ta mới biết, khách sạn mà bạn cùng phòng đến thực tập là của nhà cậu ta. Đó chính là quà sinh nhật bố cậu ta tặng. Fan hâm mộ của tôi cảm thấy không thoải mái. Anh ấy đã giữ gìn trinh tiết được 21 năm, tới đêm qua là 22 năm, thế mà vì chuyện đó đã chẳng thể khơi dậy chút ham muốn nào. Anh ấy cảm thấy thế giới thật không công bằng; những đứa có bố mẹ giàu đều đáng ghét.
Kỳ thực, bạn đừng bất bình.
Có cha mẹ giàu rất công bằng.
Vì sao ư? Chúng ta hãy xét từ góc độ lịch sử. Những người thuộc thế hệ chúng ta thường coi việc dựa hơi bố mẹ là chuyện không công bằng. Chúng ta không làm gì sai, tại sao phải làm nền cho đám con nhà giàu như vậy? Có lần tham gia tụ họp, tôi nghe đám con nhà giàu thảo luận chuyện đến Mỹ mua đất, một triệu một cánh đồng rẻ quá, tôi tưởng họ đang nhắc đến cánh đồng trong game Nông trại vui vẻ.
Tôi hiểu tâm trạng khó chịu khi nói chuyện với đám con nhà giàu. Vì sao họ chỉ nỗ lực như chúng ta, nhưng lại có nhiều cơ hội và mối quan hệ hơn?
Tuy nhiên, tôi phải nói thật rằng. Cạnh tranh không bắt đầu từ thế hệ của chúng ta. Nó đã bắt đầu từ thế hệ trước rồi.
Bố người ta chăm chỉ cố gắng hơn bố chúng ta.
Bố người ta quyết đoán hơn bố chúng ta.
Bố người ta dám mạo hiểm hơn bố chúng ta.
Những năm 80, 90 của thế kỉ XX.
Bố chúng ta còn đang ăn cơm nhà nước, hưởng lương hằng tháng.
Bố người ta đã ra ngoài xã hội lập nghiệp, kiên định đến cùng.
Đã nhìn ra sự khác biệt chưa? Sự khác biệt về chất đúng không? Tôi biết, bạn muốn nói là: “Ồ không. Tôi không muốn nghe, tôi không muốn nghe. Chúng ta đều là con nhà nghèo, bạn đừng tùy hứng nữa được không?"
Khi người bạn của tôi mới hơn 2 tuổi, bố cô ấy đã đi Thâm Quyến mở một xưởng may quần áo. Sau đó mẹ cô ấy cũng tới giúp chồng quản lý xưởng may nhỏ kia. Từ đó, trong lòng cô ấy, hình ảnh bố mẹ chỉ là qua những bức ảnh gửi về. Chính xác cũng không hẳn vậy, nhưng mỗi năm cô ấy chỉ được gặp bố mẹ một lần vào dịp năm mới, cảm giác tồn tại ít ỏi như ông già Noel vậy.
Cô ấy lớn lên nhờ sự chăm sóc của bà ngoại. Cô bạn nhỏ này của tôi khá ngốc nghếch, sống với bà ngoại cũng cảm thấy không sao. Sau đó cô ấy đến nhà tôi chơi mới biết một gia đình bình thường nghĩa là con cái ngày nào cũng có thể nhìn thấy bố mẹ. Khi ăn cơm bố mẹ gắp thức ăn cho con. Khi trời lạnh bố mẹ mặc thêm áo ấm cho con. Cô ấy ghi hết những điều nhỏ nhặt đó trong nhật ký, những điều cô ấy chưa bao giờ trải qua.
Cô ấy ầm ĩ muốn đến Thâm Quyến, muốn được gặp bố mẹ. Lần nào bố mẹ cũng nói năm sau sẽ về đón cô ấy.
Mười mấy cái “năm sau” đã qua.
Cô ấy sợ cô đơn, sợ ở một mình, luôn bảo chúng tôi đến nhà ngủ cùng.
Cô ấy sợ trời mưa, vì không có bố mẹ mang ô tới đón.
Cô ấy sợ họp phụ huynh học sinh, vì bà cô ấy nặng tai, mà thầy giáo nói rất khó nghe.
Mãi đến sau này, bố mẹ cô ấy làm ăn buôn bán ổn định, công ty phát triển lớn, thuê thêm giám đốc nghiệp vụ về quản lý, mới đón cô ấy ở cùng. Khi đó cô ấy đã vào đại học rồi. Vì cả tuổi thơ và tuổi thanh xuân đều không ở cùng bố mẹ, tình cảm giữa cô ấy và bố mẹ rất lạnh nhạt.
Dạo trước chúng tôi nói chuyện trên mạng, có tán gẫu về bố mẹ. Tôi than thở mẹ tôi thật quá đáng, tôi mua tặng bà một con chồn, bà cho rằng tôi đang diễn Tuyết sơn phi hồ. Cô ấy bảo, “Thật ngưỡng mộ cậu, quan hệ của cậu với mẹ tốt thật đấy, tớ với bố mẹ không được như thế, tớ chẳng bao giờ đùa giỡn, cũng chẳng bao giờ giận dỗi họ. Đến giờ mỗi khi nói chuyện với bố mẹ, tớ đều dùng từ ngữ lịch sự.”
Bố mẹ cô ấy chỉ hỏi cô ấy có thiếu tiền không? Nếu hết họ sẽ cho thêm. Nửa năm trước cô ấy đến Mỹ sinh con, là một cặp song sinh, bố cô ấy gửi 10 triệu vào tài khoản.
Viết đến đây, tôi muốn nói là, bạn thấy con nhà giàu có tiền, chẳng qua vì bố mẹ họ đã liều mình kiếm tiền, cũng đã hy sinh cả tình thân. Nhưng đang viết đột nhiên tôi lại nghĩ, mối quan hệ chỉ có tiền cũng rất tuyệt. Tôi đang nghĩ gì thế này? Tự vả hai cái mới miễn cưỡng tỉnh táo.
Dù nói thế nào, bọn họ đã rất vất vả phấn đấu cho sự nghiệp của bản thân. Khi làm ăn buôn bán ở Thâm Quyến, bố mẹ cô ấy từng phá sản ba lần, trải qua không ít thăng trầm, thời kỳ nghèo khó nhất họ đã sống dưới chân cầu vượt. Có một năm, vì không kịp quay vòng vốn, bố cô ấy bị hội cho vay nặng lãi thuê người đến đánh, mẹ cô ấy qua một đêm như bạc cả mái đầu.
Trải qua càng nhiều vất vả càng dễ kiếm tiền, sau đó để lại cho con cái, thế có gì là không công bằng? Phải nói là rất công bằng ấy chứ. Bố mẹ chúng ta sống ổn định an nhàn, bố mẹ họ chấp nhận mạo hiểm kiếm tiền. Giờ chúng ta muốn họ giống như mình, vậy mới gọi là không công bằng.
Chúng ta thấy phản cảm, ghét bỏ đám con nhà giàu dựa hơi bố mẹ do chênh lệch giàu nghèo? Không phải như vậy. Điều thật sự khiến chúng ta khó chịu chính là vì sao mình không phải con nhà giàu? Có ai không muốn trở thành Vương Tư Thông chứ?
Chúng ta không ghen tức vì sự bất công, mà bất mãn bản thân không được xếp vào danh sách những kẻ hưởng lợi kia. Nếu nhà nước quy định bắt đầu từ hôm nay, toàn dân phải nịnh nọt bạn vô điều kiện, quy định này có công bằng không?
Không công bằng.
Bạn có thích không?
Chính vì sự giàu sang có thể cha truyền con nối, thậm chí cơ hội, mối quan hệ cũng có thể cha truyền con nối, chúng ta mới có cơ hội trở thành “đại gia” để lại phúc đức cho đời sau. Chúng ta không phải con nhà giàu, nhưng con cái chúng ta vẫn có cơ hội trở thành con nhà giàu.
Một người bạn của tôi gia cảnh nghèo khó, phải dựa vào khoản trợ cấp cho vay mới học hết đại học. Khi đó ở trường anh ấy nổi tiếng với thành tích cực cao, nghỉ hè nghỉ đông đều không về nhà, tỉnh giấc là lao vào học. Vừa ăn cơm, đi đường vừa ôn bài đã là gì, đi vệ sinh cũng học từ mới. Cuối cùng anh ấy đã nhận được suất học bổng toàn phần của một trường nổi tiếng ở Mỹ, chuyên ngành kinh tế. Về nước anh ấy gia nhập một ngân hàng đầu tư, vừa thức giấc đã lao vào làm việc. Vợ chồng anh ấy khó khăn lắm mới sắp xếp được một kỳ nghỉ ở đảo Maldives, nhưng trong khi người khác cả ngày tắm biển ăn chơi, anh ấy ngồi trên bãi cát, mở máy tính họp trực tuyến. Hiện giờ con anh ấy đang theo học ở một ngôi trường quý tộc, học phí mỗi năm 300 nghìn tệ, anh ấy nộp một đống tiền cũng không thèm chớp mắt. Anh ấy là con nhà nghèo, nhưng con anh ấy lại là con nhà giàu.
Thay vì oán trách quy tắc ngầm của xã hội, không bằng tự khiến bản thân trở nên mạnh mẽ, thích ứng với mọi quy tắc, thậm chí có năng lực thay đổi những quy tắc đó. Trên thực tế, có rất nhiều việc ngoài mặt xấu xí, nhưng chúng ta vẫn phải ngầm thừa nhận những giá trị tốt đẹp của nó.
Ít ra thế giới này còn chấp nhận sự nỗ lực. Chỉ cần nỗ lực, chúng ta có thể cải thiện cuộc sống của chính mình và của cả thế hệ sau.
Bạn không phải Vương Tư Thông, nhưng có thể trở thành Jack Ma. Đừng để con bạn thua ngay từ vạch xuất phát, câu này quá cũ rồi, nhưng bạn có biết đâu là vạch xuất phát không?
Bạn chính là xuất phát điểm của con bạn.
Nếu bạn căm ghét những kẻ giàu có, thay vì so bì bất mãn, chi bằng hãy cố gắng một chút, trở thành người giàu có khiến người ta ganh ghét.
Trích sách "Sống Thực Tế Giữa Đời Thực Dụng" - Tác giả Mễ Mông
Đây chỉ là một bài viết được trích trong cuốn sách cực hay mà tôi đã đọc gần đây. Một cuốn sách mà bạn có thể "Shock" sau khi đọc xong bởi giọng văn của tác giả: vừa chân thực, hài hước lại đầy chua ngoa. Một cuốn sách sẽ khiến bạn thốt lên: Cái quái gì thế này, tác giả đang mắng tôi đúng không. Ấy thế nhưng bạn vẫn phải đọc cho bằng hết vì những gì tác giả nói đều rất đúng mà có thể sau khi đọc xong cuốn sách này bạn mới nhận ra

Nguồn: tony buổi sáng

Không có nhận xét nào