VỐN VÀ SỬ DỤNG VỐN - Blog Trần Hiếu - Mãi mãi tinh thần phụng sự

Header Ads

VỐN VÀ SỬ DỤNG VỐN




Bất kỳ cái gì trên đời cũng đều sinh ra từ một cái gì trước đó. Bất kỳ đời ta sau này sẽ thế nào, nó bắt buộc phải sinh ra từ cuộc đời của ta hiện tại, và bất kỳ ta muốn phát triển tương lai của mình thế nào, tương lai đó phải sinh ra từ vốn liếng hiện tại và hiệu năng trong việc sử dụng vốn hiện tại. Vốn và sử dụng vốn là hai vấn đề căn bản nhất của một thực thể, dù thực thể đó là “Công ty du lịch Xanh” hay “Đời Tôi.”



I. Hãy nghiên cứu về vốn liếng của một công ty trước khi vào “Đời Tôi,” vì công ty thì dễ thấy hơn, và chúng ta ít ra cũng đã học qua một tí trong đại học. Vốn liếng của một công ty gồm tiền, nợ từ người khác, bất động sản (đất đai nhà cửa), tài sản di động (máy móc), tài sản vô hình (sở hữu trí tuệ–bằng sáng chế, bản quyền và kiến thức bí mật; danh sách khách hàng, giá trị thặng dư, gọi là “lòng tốt” hay good will trong kế toán). Hết rồi. Các bạn còn nghĩ ra điều gì nữa không?
Nếu bạn học kinh tế, thương mại hay kế toán, thì vốn liếng của một công ty chỉ có vậy. Nhưng nếu bạn đã thực sự làm thương mại, có lẽ bạn đang có cảm tưởng là danh sách này có gì không ổn. Thiếu cái gì đó, phải không? Dĩ nhiên rồi. Cái thiếu đó là “con người”—nhân viên và khách hàng. Nếu bạn đã làm chủ một công ty, chắc chắn bạn sẽ đồng ý là vốn liếng quan trọng nhất cho một công ty là những người làm việc với mình (partners, phụ tá, nhân viên) và khách hàng của mình. Tất cả những gì khác—tiền bạc, nhà cửa, máy móc, sở hữu trí tuệ—đều là yếu tố thứ yếu.
Tiền cũng vô ích nếu người của mình chỉ biết phá tiền chứ không làm tiền. Giấy nợ cũng vô ích nếu người của mình không biết cách thu tiền nợ. Bằng sáng chế cũng vô ích nếu người của mình không sáng chế (chứ đừng nói là sáng chế thêm). Về khách hàng thì, một công ty nhỏ ở Mỹ tốn trung bình khoảng ba trăm đô la (300 USD) tiền quảng cáo và tiếp thị để có được một (1) khách hàng mới đặt chân vào cửa công ty. Đặt chân vào một lần thôi nhé, có mua gì hay có trở lại lần thứ hai hay không, lại là một chuyện khác. Tuy nhiên, nếu một khách hàng hiện thời của mình thích mình, người đó có thể giới thiệu 10 người bạn đến, mà mình chẳng tốn một xu. Các bạn có thể tính ra lời lỗ chưa?
Gốc rễ quản lý công ty là chỗ này: Nhân viên của mình phải vui vẻ và khắng khít như anh em. Khách hàng của mình cũng vui vẻ và khắng khít với mình như anh em. Đây là yếu tố bách chiến bách thắng. Hỏi các danh tướng lừng danh thế giới của ta hiện đang còn sống, nhất định là các vị ấy sẽ đồng ý như thế. Nhân viên chính là lõi cùa bánh xe đạp, khách hàng là vành xe, và liên hệ giữa nhân viên và khách hàng là các tăm xe. Nếu một trong ba điều này—lõi xe, tăm xe hay vành xe–mà yếu, thì bánh xe sẽ gãy. Và vành xe mạnh là nhờ lõi xe và tăm xe mạnh. Mà tăm xe mạnh là nhờ lõi xe biết làm việc. Tất cả cũng qui về cái lõi. Tất cả các khóa học về quản trị nhân viên, liên hệ quần chúng (public relations) và tiếp thị, chung qui cũng chỉ nhằm cho được ba điều này, và tất cả rồi cũng qui về điểm cốt cán nhất—nhân viên.
II.A. Cuộc đời của mình cũng vậy. Khi nói đến vốn liếng của mình ta thường nghĩ đến những gì sờ mó được, thấy được, như sắc đẹp, kiến thức, bằng cấp. Đôi khi ta có nghĩ đến các vốn liếng vô hình, nhưng có thể viết lên résume, như là kinh nghiệm làm việc. Nhưng rất ít khi ta thực sự nghĩ đến vốn liếng quan trọng nhất: con người—chính con người mình, và những người trong vòng thân thiết của mình.
Con người mình có rất nhiều giá trị, chứ đâu phải chỉ là những gì người ta thấy được và những gì mình có thể để trên resume đâu. Hãy xem thử những vốn liếng ta có mà không bao giờ thấy trên resume:
• Lòng vị tha: Cả đời chúng ta được huấn luyện đặt “ta” làm trọng tâm của suy tưởng, “người” thì cũng có, nhưng chút ít thôi. Cho nên đa số chúng ta suy tưởng và hành động hằng ngày cho 3 mục tiêu chính: “Tôi, cho tôi và của tôi.” Người nào có lòng vị tha mạnh, tức là rất hiếm có. Mà cái gì đã hiếm là quí giá và đắt tiền.
• Đức điềm tĩnh: Khi mọi người chung quanh sợ hãi đến đông lạnh, ta vẫn điềm tĩnh nghiên cứu vấn đề. Khi mọi người chạy theo tiếng gào thét của đám đông, ta vẫn điềm tĩnh đi đường của ta.
• Lòng khiêm tốn: Những người có resume dài, thường dễ bị bệnh tự cao. Trong trường kỳ, lòng khiêm tốn luôn luôn mang lại chiến thắng.
• Đức tự tin: Ta tin vào chính mình, chứ không phải miếng giấy ta có gọi là miếng bằng, hay là lời khen chê của người khác. Những người có lòng khiêm tốn thường rất tự tin. Ngược lại những người tự cao thường thiếu tự tin.
• Khả năng lắng nghe: Tìm được người biết lắng nghe trong thiên hạ khó gần như mò kim đáy biển. Nếu không thì nhân dân tại các quốc gia đâu phải gào thét khản cổ, mà nhà nước, toàn là các vị nhiều bằng cấp, vẫn không nghe được. Bao nhiêu bà vợ thét gào ngày đêm mà đức ông chồng ngồi đó có nghe thấy gì đâu? Khả năng lắng nghe quan trọng đến mức mà nếu bạn tập được tính lắng nghe, bạn sẽ đương nhiên có thêm được bốn đức tính nói trên.
Trên đây chỉ là nói qua một vài ví dụ. Nếu bạn ngồi làm một danh sách những vốn liếng của chính bạn, thì đương nhiên là danh sách đó dài hơn rất nhiều. Viết ra rồi, thì nhớ rằng đó là vốn liếng mình có, phải mang ra sử dụng hằng ngày, trong nhà, ngoài đường, ở sở làm. Mình phải biết sử dụng vốn liếng khôn ngoan để làm mình vui hơn, thân nhân bạn bè chung quanh gần gũi mình hơn, và công ăn việc làm thành đạt hơn. Nếu nghiên cứu những người thất bại cả đời, bạn sẽ thấy ngay yếu tố đầu tiên là họ không thấy được vốn liếng họ có, hoặc có thấy thì họ vẫn không tin đó là vốn liếng có thể dùng được: Ví dụ: Nhiều người bản tính thành thật nhưng lại được chỉ dạy và tin rằng buôn bán thì phải gian dối mới thành công.
II.B. Ngoài chính mình, vốn liếng “con người” của mình còn là những người trong vòng thân thuộc của mình—gia đình và bè bạn. Điều này thì không cần nói nhiều ai cũng thấy—người nào có gia đình bè bạn thành công thì mình cũng rất dễ thành công theo. Trong thế giới chính trị kinh tế thương mãi, bạn bè luôn luôn làm việc với nhau và nâng nhau lên. Và khi mình bị vấp ngã, kẻ thù của mình vỗ tay, khách bàng quang đứng nhìn rồi quay đi, chỉ có gia đình và bạn bè là còn lại. Họ là nơi trú thân và tịnh dưỡng của mình lúc đó, để hồi phục, và mở trận chiến kế tiếp.
Mà gia đình bạn bè chỉ có thể gần gũi mình nếu mình yêu họ, quan tâm đến họ, lo lắng cho họ, chia sẻ với họ. Đây là điều ai trong chúng ta cũng biết, chúng ta không cần phải nói nhiều ở đây. Mình chỉ muốn nhắc qua vài điểm quan trọng mà thôi:
1. Bụt nhà không thiêng: Vợ anh hàng xóm luôn luôn thông minh và đẹp hơn vợ mình. Bố mẹ anh em của người khác, nhất là những người được lên TV, luôn luôn hay hơn bố mẹ anh em mình. Hãy bắt đầu xem xét kỹ những gì bạn đang có trong nhà đi. Mấy ông hàng xóm cũng có thể là đang mơ người của bạn đó.
2. Vui cái vui của bạn: Ta có thể đau cái đau của bạn bè dễ dàng, nhưng chưa chắc là vui được cái vui của bạn, vì hay ganh tị. Đây là “hỉ” trong từ bi hỉ xả, tứ vô lượng tâm của Phật gia. Chưa vui được cái vui của bạn, thì chưa thực là bạn đâu.
3. Cho nhau chỗ tựa: Khi bạn mình thật sự xuống dốc, sự có mặt của mình rất quan trọng, dù là mình chẳng biết nói, và đôi khi chẳng nên nói, gì cả. Ví dụ: Một người bạn mới mất chồng, mình đến rủ bạn đi shopping, mà không cần mua gì, cũng chẳng nói gì. Chỉ cần là lý do để bạn mình ra ngoài một tí. Đây là một cử chỉ vô giá mà chỉ bạn bè mới làm cho nhau được.
4. Mỗi người một đường: Cuộc đời từ từ sẽ đưa mỗi người trưởng thành một hướng khác nhau, kể cả anh em, bạn bè, và cả vợ chồng. Đừng ép nhau phải đi cùng một hướng, và cùng một vận tốc. Ngược lại nên khuyến khích mỗi người phát triển tối đa con người của họ, theo hướng họ lựa chọn. Giá trị của tình anh em, tình bạn, và tình vợ chồng, chỉ có ở chỗ là mình ủng hộ, nâng đỡ, khuyến khích người đó trên con đường họ đi, trên sự nghiệp họ chọn.
5. Trung thành: Khi bạn của mình (hay thân nhân, chồng vợ) của mình bị cả thế giới chối bỏ, mình có đủ trung thành để đứng gần họ và nói “tôi là bạn của anh” cho họ nghe không? Và nếu cần thì cả thế giới cùng nghe không? Kể cả khi bạn mình sai 100% không? Kể cả khi mình biết chắc 100% là bạn mình sai 100% không? Bạn có biết chuyện Phê-rô chối thầy của mình ba lần không? Đứng thì khó, chứ chạy trốn và chối từ thì rất dễ, vì đó là bản tính tự nhiên, bạn ạ.
Đứng bên cạnh bạn mình, không có nghĩ là đồng ý với bạn mình, nhưng có nghĩa: “Dù sai dù đúng, bạn cũng là bạn của tôi. Bây giờ thế giới ruồng bỏ bạn, nhưng vẫn có tôi.” Nếu bạn mình đúng thì là bạn, bạn mình sai thì không còn là bạn, thì tình bạn khác gì “tình người đi chợ” mới gặp nhau giữa chợ? Trong một thế giới rất nhiều thay đổi, ít ra phải có một cái không thay đổi—đó là lòng trung thành, các bạn ạ.
Dĩ nhiên, ở đây ta chỉ tóm tắt vài điểm để có được khái niệm về vốn liếng thật sự của mình, để mình quan tâm đến, thấy rõ được sự giàu có của mình. Và sử dụng vốn liếng ấy một cách hiệu quả, để mình vui vẻ hạnh phúc hơn, và thành công hơn, dù mình định nghĩa thành công như thế nào. Triết gia Hy Lạp Sophocles nói: Người ngu dốt không biết đồ quí họ đang nắm trong tay, cho đến khi họ đã ném nó đi. Đúng như vậy. Bao nhiêu người chúng ta chạy theo những gì bên ngoài để tìm thành công và hạnh phúc, trong khi vốn liếng quan trọng nhất của thành công và hạnh phúc đã luôn luôn có đó, trong chính mình, và những người trong vòng tròn thân thiết của mình?

Nguồn: internet

Không có nhận xét nào