Vì sao DN lãi mà vẫn thiếu tiền hoạt động ⁉️ - Blog Trần Hiếu - Mãi mãi tinh thần phụng sự

Header Ads

Vì sao DN lãi mà vẫn thiếu tiền hoạt động ⁉️



Ở góc độ quản trị tài chính doanh nghiệp, chúng ta cần phải phân biệt thật rõ ràng rằng: Lợi nhuận trên báo cáo kết quả kinh doanh không đồng nghĩa với thặng dư hoặc thâm hụt dòng tiền. Nói cách khác, có lợi nhuận mà doanh nghiệp vẫn không đủ tiền trang trải cho hoạt động và đầu tư rồi đôi khi bạn trả lãi ngân hàng cho đối tác họ tiêu. Bài viết này sẽ lý giải điều đó và kỳ vọng rằng những người làm kinh doanh nhưng không có kiến thức nền tảng tài chính sẽ thay đổi cách nhìn trong quản trị tài chính công ty của chính mình...

"Lợi nhuận nghĩa là có tiền" không luôn luôn đúng!

Lợi nhuận của doanh nghiệp = doanh thu + các khoản thu nhập khác - tất cả chi phí (Giá vốn, chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp). 

Trong đó doanh thu được ghi nhận theo nguyên tắc: bên bán đã hoàn thành chuyển giao hàng hóa dịch vụ cho bên mua đồng thời bên mua ĐÃ hoặc ĐÃ CHẤP NHẬN THANH TOÁN.

Như vậy ta thấy, vấn đề chính trong chủ đề này nằm ở "ĐÃ CHẤP NHẬN THANH TOÁN". Tức là, dù đã hoàn thành chuyển giao (nghiệm thu / giao nhận) hàng hóa / thành phẩm / dịch vụ của người bên bán cho bên mua nhưng bên "khách hàng - mua" chưa thanh toán, hiểu đơn giản là mua chịu / mua thiếu và điều đó được bên bán đồng thuận.

Ví dụ: bên bán (A), bán 1 bàn làm việc cho bên mua (B), giá bán là 5.500.000 VND (Gồm VAT 10%), B đã trả cho A 3.000.000 VND, còn lại 2.500.000 hẹn sau 30 ngày sẽ trả, thì: Doanh thu A nhận được = 5.000.000 VND, B phải thanh toán tổng số 5.500.000 đ cho A. Nhưng A mới thực nhận 3.000.000 VND, B còn phải trả cho A 2.500.000 VND. Khi A tính lãi (lợi nhuận), A sẽ tính ở mức 5.000.000 VND - doanh thu; Nhưng khi A đánh giá dòng tiền của mình, A chỉ có thể tính 3.000.000 VND (đã thực thu) + 2.500.000 VND giá trị công nợ còn phải thu trong 30 ngày.

Trong quản trị tài chính và hạch toán kế toán, ta phải hiểu bản chất rằng, doanh thu của công ty không phân biệt đã thu được tiền hay chưa, cho nên nhiều trường hợp, nếu bên bán quản lý công nợ không tốt thì trên sổ sách kế toán ghi nhận có doanh thu lớn, và nếu lấy doanh thu trừ chi phí thì rõ ràng có lãi (lợi nhuận), nhưng lại không có tiền là vì thế. Nói ở khía cạnh khác, lợi nhuận đang chứa trong NỢ PHẢI THU của công ty. Điều này giải thích thực trạng ở nhiều công ty là hoạt động bán hàng tăng trưởng tốt, hợp đồng thậm chí có giá trị lớn, nhất là tại các công ty xây lắp, nhưng nếu không kiểm soát được dòng tiền tương đồng với doanh thu, không quản lý tốt kỳ hạn nợ của khách hàng thì doanh thu tăng (tăng trưởng) cũng không ích gì.

​Phá sản hoặc giải thể bán thanh lý tài sản để trả nợ là không đủ khả năng thanh toán nợ chứ không phải vì hoạt động không có lợi nhuận.

Ở khía cạnh pháp lý và bản chất kinh tế của phá sản, khi doanh doanh nghiệp không đủ tiền thanh toán các khoản nợ đến hạn, nếu bị kiện thì có thể bị hoặc tự nguyện tuyên bố phá sản. Trường hợp chưa bị kiện nhưng chắc chắn khó khăn thanh toán nợ đến hạn như nợ lương nhân viên, nợ nhà cung cấp (đầu vào) là luôn thường trực và rồi cũng vẫn "chết". Ở chiều ngược lại nhiều doanh nghiệp cố gắng mua chịu (chiếm dụng vốn) của bên bán, trong khi đầu ra tiêu thụ với tốc độ chậm hơn, khi các khoản nợ đến hạn với giá trị lớn hơn so với doanh thu tiêu thụ có thể thu tiền ngay thì cũng dẫn tới tình trạng mất cán cân thanh toán.

Khi rơi vào trạng thái mất cán cân thanh toán, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng dẫn tới kết cục là luôn phải "rượt đuổi" tiền, rượt đuổi hợp đồng. Ở trạng thái đó, chắc chắn dẫn tới một hệ lụy là "sử dụng các khoản tiền không đúng mục đích", ví dụ tiền trả lương được mang đi trả nợ, tiền trả nợ được mang đi trả ngân hàng... và cứ như vậy khi đạt tới đỉnh điểm thì sự cám dỗ của tín dụng đen là khó cưỡng. Một khi đã dính vào tín dụng đen để tài trợ dòng tiền cho công ty thì coi như cầm chắc cái "chết" của công ty trong tương lai rất gần.

Trong quan hệ đối tác, nếu doanh nghiệp ở trạng thái tăng trưởng tốt nhưng thiếu tiền thì biểu hiện thường thấy trong đàm phán là chấp nhận thua thiệt về giá, về hồ sơ, về điều kiện mua bán để cố gắng đạt lấy giá trị doanh thu có thể thu tiền ngay. Mặt khác, vì bị bẫy "lợi nhuận" và "tăng trưởng" che mắt nên nhầm tưởng rằng cứ đổ tiền / xoay được tiền thì sẽ cải thiện tình hình, nhưng kết cục lại không như bạn nghĩ, bạn càng "xoay" vòng xoáy thiếu tiền càng lớn... Khi đó chỉ có 2 cách cứu được bạn là "thu tiền ngay từ bán hàng, kể cả phải chấp nhận giảm giá sâu" và vốn chủ sở hữu. Còn lại, tất cả các nỗ lực xoay vần tài chính khác của CEO đều chỉ dẫn tới "mớ bùng nhùng" phức tạp hơn hoặc thậm chí không nhìn thấy cửa thoát trong dài hạn.

​Thế là, đôi khi chưa cần vay tiền thì đã phải vay hoặc vội vay, hơn thế nữa là vay tiền & trả lãi ngân hàng cho "người khác tiêu". Một cách hài hước, đôi khi lợi nhuận của công ty lại nằm trong tồn kho của khách hàng... Tiếc thay, có quá nhiều SME hiện nay không tổ chức công tác tài chính kế toán nội bộ, chỉ làm kế toán thuế theo cách "đối phó" cho xong, còn lại toàn bộ sự nghiệp kinh doanh là "ghi sổ chợ". Vậy thì đương nhiên là không thể tiếp cận được với vốn ngân hàng, vậy thì đương nhiên là không đủ năng lực cạnh tranh, ấy gọi là làm kinh doanh theo kiểu may rủi, cảm tính và dùng mối quan hệ để "sống qua ngày".

Giám đốc công ty bỏ kinh doanh quay sang "chạy tiền" là cách chết đau xót!


Một khi công ty của bạn rơi vào khó khăn tài chính do thiếu hụt dòng tiền, CEO hoặc Ban quản lý công ty sẽ đổ hơn 80% tâm trí và sức lực cho chuyện "xoay tiền", tức là chẳng thể tỉnh táo và khôn ngoan mà tính chuyện kinh doanh, cạnh tranh, chiến lược và nâng cao năng lực quản trị được nữa. Khi đó, tôi hiểu rằng bạn chỉ mong "sống được đã là may" vì nhiều năm trước tôi và rất nhiều bạn của tôi cũng rơi vào cảnh đó.

Cho nên, trong quản trị tài chính và dòng tiền, người ta thưởng nói "Money is KING". Hơn 80% "chết" vì quản trị tài chính và dòng tiền yếu kém, đó là nguyên nhân trực tiếp, trong khi đó người ta cứ lầm tưởng là do thị trường, do yếu tố này nọ, do nhiều nguyên nhân có tính lý do cá nhân khác ...chỉ là bao biện.
​Được bơm vốn hàng triệu đô, nhưng quản trị dòng tiền yếu kém thì vẫn "chết" như thường

Thời gian qua, chúng ta chứng kiến nhiều Start-UP đình đám trên thế giới cũng như ở Việt Nam lần lượt chết khi chưa kịp mừng sinh nhật 2 tuổi. Phần lớn khác cũng chết yểu khi chưa tròn năm mà 2 nguyên nhân chính được các nhà phân tích nêu ra là (1) - Sai về chiến lược ngay từ đầu; (2) -Tiêu hết tiền hoặc hụt dòng tiền cho hoạt động một các nhanh chóng trước khi doanh thu có thể bù đắp. Mà, chúng ta cũng biết rằng các dự án / công ty khởi nghiệp đó được bơm tới hàng triệu đô từ các quỹ và các hình thức huy động vốn khởi nghiệp khác. Gần đây chính Đào Chi Anh - người sáng lập The KAfe cũng phải đau xót mà thừa nhận những yếu kém trong quản trị tài chính.

Lời khuyên cho những CEO không có kiến thức nền tảng tài chính hoặc các CEO mới khởi nghiệp là:
Đừng bao giờ nhầm lẫn giữa lợi nhuận và giá trị thặng dư tiền ở thời điểm cuối kỳ: tháng / quý / năm.
Doanh nghiệp có tăng trưởng kinh doanh cao, tỷ suất lợi nhuận / doanh thu cao, nhưng nếu doanh thu chứa đựng công nợ cao hơn tỷ suất lợi nhuận thì chắc chắn vẫn không có cách gì có đủ tiền hoạt động và đầu tư dù đang có lãi (có lợi nhuận).

Ở nhiều doanh nghiệp nhỏ hiện nay, không tổ chức công tác kế toán và quản trị tài chính nội bộ mà còn có tình trạng nhầm lẫn "tiền về" là doanh thu và "tạm dư tiền" là "lãi" thế là chi tiêu / chia chác bừa bãi với thặng dư tiền tạm thời ở một thời điểm, trong khi đó thực chất có thể đang là NỢ PHẢI TRẢ.
Nếu là doanh nghiệp mới tham gia thị trường (ít hơn 3 năm) thì hãy ngay lập tức tổ chức quản trị, thực hiện công tác tài chính - kế toán thật tốt, hướng tới minh bạch tài chính trong thời gian gần nhất. Không có công ty nào ở Việt Nam hay trên thế giới có thể trở nên hùng mạnh / có sức cạnh tranh cao mà lại ghi chép tài chính theo kiểu áng chừng và sổ chợ.

Trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh phải lập kế hoạch ngân sách rõ ràng, giữ kỷ luật tài chính kinh doanh, quản trị thật chặt dòng tiền kể cả phải chấp nhận thu hẹp quy mô, bán bớt tài sản đầu tư chưa hợp lý để giữ cho bằng được cán cân thanh toán / trang trải nợ ngắn hạn trên ngưỡng 0.8.

Đừng bao giờ lẫn lộn giữa tài chính công ty và tài chính cá nhân. Cần góp, cần vay, cần ứng thì cũng phải làm rõ ràng minh bạch, nếu không bạn sẽ chết vì cái bóng của chính mình.

Thực chất của quản trị tài chính và dòng tiền không ngoan là: "đồng mua mắm thì để mua mắm, đồng mua tương thì để mua tương". Khi chi trả cũng vậy, đừng gộp và đừng áng chừng nếu bạn không muốn phải trả giá vì những sự tùy tiện đó.

Giám đốc doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi đọc tới đây, hãy tự hỏi mình rằng: (1)-Tổng tài sản công ty ta hiện nay là bao nhiêu? (2)-Tài sản thuần là bao nhiêu? (3)-Cán cân thanh toán nợ ngắn hạn của công ty là bao nhiêu? (4)-Tỷ suất sinh lợi trên doanh thu và trên vốn chủ sở hữu là bao nhiêu? Nếu bạn không thể trả lời 4 câu hỏi đó nghĩa là tài chính công ty của bạn đang rất có vấn đề. Hãy hỏi người phụ trách công tác kế toán tài chính hoặc kế toán quản trị của bạn 4 câu đó, nếu họ không thể trả lời trong vòn 15 phút thì nên ngồi lại bàn định hướng đào tạo hoặc đã đến lúc sa thải và tuyển mới.

Nếu bỏ qua quản trị bài bản, xem nhẹ quản trị tài chính ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, dựa vào "mối quan hệ" để kinh doanh thì sẽ có ngày bạn "trúng gió" hoặc chết ngay trên khối tài sản và lợi nhuận.
Còn tiếp, chuyên đề tiếp theo: NHỮNG NGUYÊN NHÂN LÀM DÒNG TIỀN CỦA CÔNG TY SUY YẾU

Tác giả: Hà Quỳnh - thành viên khởi nghiệp Việt Nam

Không có nhận xét nào