ĐƠN GIẢN HÓA KHỞI NGHIỆP
1. Ý tưởng chỉ đáng giá 0 đồng
Khi bạn nghĩ ra 1 ý tưởng và cực kì tâm đắc với ý tưởng này. Hãy giúp tôi trả lời các câu hỏi sau:
1. Trên thị trường đã có ai làm hay chưa? (Cả Việt Nam & thế giới)
2. Nếu chưa có ai làm, tại sao họ lại không làm?
3. Nếu có người làm rồi mà họ chưa thành công, tại sao họ lại chưa thành công?
Đừng bao giờ ôm cái ý tưởng của mình và tự huyễn hoặc, đinh giá nó. Tôi hiểu, khởi nghiệp là bắt nguồn từ ý tưởng; một ý tưởng hay, độc đáo có nhiều cơ hội thành công hơn so với những ý tưởng đã cũ nhưng đó mới chỉ trên mặt suy nghĩ, giấy tờ. Việc từ ý tưởng tới thực thi là cả 1 bài toán khó. Hãy nhớ rằng, trên đời này có thiên tài nhưng xác xuất người đó chính là bạn rất thấp. Việc các bạn nghĩ ra thì chưa chắc hàng tỷ dân trên thế giới này chưa nghĩ ra được. Thành công đôi khi chỉ khác nhau việc định vị bản thân. Do vậy, hãy trả lời 3 câu hỏi trên 1 cách nghiêm túc.
Sau đó, ý tưởng của bạn dù có hay tới mấy cũng không quan trọng bằng việc kế hoạch bạn thực thi nó như nào, tầm nhìn bạn đưa ra như nào, chiến lược bạn sẽ hành động như nào. Nhà đầu tư họ đầu tư vào startup là đầu tư vào kế hoạch, tầm nhìn, con người, đội ngũ bạn chứ không phải đầu tư vào ý tưởng của bạn. Do vậy, khi đã quyết tâm với ý tưởng của mình thì hãy cho nó một hình hài, môt con đường đi và một cái đích. Hãy chứng tỏ rằng bạn đã sẵn sàng tất cả!
Nếu các bạn lo lắng việc ý tưởng của mình sẽ bị đánh cắp thì cục sở hữu trí tuệ sẽ bảo vệ ý tưởng của bạn. Đừng quên, sống ở đâu phải hiểu luật pháp ở đó. Không thừa đâu!
2. Hành động nhỏ - suy nghĩ lớn
Tôi là một người tham vọng. Và tôi thích những kẻ tham vọng như mình. Tất nhiên, đó là tham vọng “tốt” nhé. Vì mọi người hay có một suy nghĩ theo lối mòn: người tham vọng = người đạt được mục đích bằng mọi cách. Tôi sửa lại quan điểm theo cách nghĩ của mình 1 chút: Người có tham vọng “tích cực” là người phải đạt được mục đích của mình bằng mọi giá mà không ảnh hưởng xấu, gây thiệt hại cho xã hội và những người xung quanh. Vì sống có tham vọng, bạn mới có sự bứt phá mạnh, sự cầu tiến học hỏi, mục đích rõ ràng, hiểu rõ bản than muốn gì, cần gì, thích gì, yêu gì. Đó là điều tiên quyết của 1 kẻ muốn làm lãnh đạo thành công.
Có 2 trường hợp xảy ra mà tôi thường không khuyến khích, thậm chí tôi không cho phép nhân sự của tôi suy nghĩ như vậy:
- Làm kiểu chắp vá, ném đá dò đường, sai đâu sửa đó, không dám nghĩ lớn, vì vin vào câu nói muôn thuở “nghĩ trước bước không qua”. Sợ không qua được A thì làm sao tới được B. Nghĩ rằng, cứ qua được A trước, tới phần B rồi nghĩ sau.
- Đưa ra tầm nhìn thật hoành tráng, nhưng không có cơ sở , lý luận để có con đường tiến tới tầm nhìn đó, không cần biết các bước, quy trình sẽ như nào. Cứ thế làm thật lớn rồi sụp đổ lúc nào không hay.
Đó là cả 2 trường hợp tôi gặp rất nhiều của các bạn StartUp và cả 2 đều có khả năng fail khá cao. Bạn tưởng tượng, bạn đang đi trong 1 rừng cây và cần tìm đường ra. Nếu bạn không có tầm nhìn, cứ mò mẫm ở dưới, nếu gặp đường cụt thì ra đi lại và tìm đường khác liệu sau bao lâu bạn sẽ ra khỏi cánh rừng đó. Thay vì vậy, bạn tìm cách trèo lên 1 cái cây cao nhất, 1 ngọt núi gần đó chẳng hạn, đứng từ trên cao xuống và bao quát xung quanh, bạn sẽ nhìn ra được đâu là đường đi đúng cho mình. Đó là tầm nhìn, chiến lược. Trong kinh doanh cũng thế. Khi bắt đầu 1 công việc kinh doanh, bạn cần làm kế hoạch từ kế hoạch thực thi như nào, tài chính như nào,…bạn sẽ vẽ ra những tham vọng của mình, mục tiêu mà mình muốn làm được, rồi sau đó sẽ tìm các phương pháp để đạt được mục tiêu đó trong kế hoạch kinh doanh của mình chứ không phải làm tới đâu hay tới đó.
Tôi chơt nhớ tới những bài toán hình học lớp 7, lớp 8. Tôi học chuyên Toán, có những bài chứng minh 2 đường thằng AB = CD mà nếu giải thì tốn cả 4 mặt giấy A4. Nhưng thường tôi làm rất nhanh, thậm chí rất ít khi đặt bút viết mà chỉ nhìn vào hình và logic trong đầu, có thể đứng lên đọc vanh vách lời giải cho thầy giáo vì áp dụng quy luật, đi từ kết quả (mục tiêu) tới phương pháp và mệnh đề.
3. Bán thứ khách hàng cần chứ đừng bán thứ mình có
Một doanh nghiệp phát triển không phải là họ bán được sản phẩm nhiều mà là họ bán những giải pháp hợp lý cho khách hàng, họ bán những câu chuyện lay động lòng người,… Có thể bạn khó hiểu? Nhưng nhớ lại định nghĩa khởi nghiệp nhé:Đó là việc của những nhà khởi nghiệp: giải quyết các vấn đề đó bằng việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ “mới. Có nghĩa là bạn giải quyết nhu cầu cho khách hàng, cho cái khách hàng cần chứ không phải cái mình có sẵn.
Hãy thôi tập trung nghĩ vào bán “cái gì” đi. Bạn bán xe máy, hãy thôi nghĩ về thông số, màu sắc, catalog,… Tạm quên nó đi, hãy nghe vấn đề của khách hàng, nhu cầu của họ là gì để xem sản phẩm của mình có thể giúp gì được cho họ. Người làm kinh doanh giỏi họ sẽ tập trung vào vấn đề và giải pháp cho khách hàng.
Hãy trả lời “Why?” trước rồi mới tới “What?”, một khi trả lời được Why bạn sẽ có được sự tin tưởng cần thiết từ khách hàng của mình, giải quyết được vấn đề đó của khách hàng, đồng nghĩa với việc bạn sẽ bán được sản phẩm.
4. Bộ mặt doanh nghiệp
Khi bạn đã xác định đi theo con đường khó khăn là Start-up thì bạn cần chú ý tới 2 vấn đề:
1. Thương hiệu doanh nghiệp
2. Nhân hiệu (Thương hiệu của người chủ doanh nghiệp - Boss)
Start-Up, tôi hiểu là bạn không có nhiều tiền để trang bị cho mình 1 phòng làm việc cực chất, tọa lạc ở những con phố đông đúc đắt đỏ, bạn cũng không có nhiều tiền để quảng cáo cho các khách hàng tiềm năng của bạn là bạn sẽ cung cấp dịch vụ gì, nó tốt ra sao. Điều đó quan trọng nhưng hãy làm theo cách mà tôi đã nói ở phần 2: Suy nghĩ lớn, hành động nhỏ.
Trong cuốn sách “Thế giới phẳng”, tác giả Thomas L. Friedman nói rằng thế giới đã bị “san phẳng” một cách sâu sắc, chấm dứt đặc quyền dẫn dắt của các cường quốc và trao cơ hội cho tất cả. Sự bùng nổ về công nghệ thông tin và kết nối, các cá nhân trên toàn cầu đều được trao quyền. Thế giới chuyển từ cỡ nhỏ xuống cỡ siêu nhỏ và cuối cùng bị san phẳng.
Tương tự trong kinh doanh. Thời đại toàn cầu hóa khiến các bạn có thể nổi bật và thành công nếu các bạn đủ giỏi, đủ quyết liệt. Cơ hội san đều cho tất cả. Công nghệ 4.0, thời đại của internet xuất hiện khắp nơi, hãy xây dựng bộ mặt doanh nghiệp của mình bằng 1 website và 1 fanpage trên Facebook. Bạn không cần phải bỏ cả mấy chục triệu thuê làm 1 website đẹp long lanh mà tất cả chỉ cần 1 website sáng sủa, logic trong các chuyên mục, đầy đủ thông tin về doanh nghiệp của bạn, thể hiện được tầm nhìn, sự khát khao của doanh nghiệp bạn, dùng những câu từ kích thích được khách hàng của bạn. Kinh phí xây dựng website cũng không hề đắt đỏ (bạn có thể dùng Wordpress, blogger, wix,…). Nếu bạn là doanh nghiệp thương mại bán hàng, đừng ngần ngại mà không xây dựng hệ thống bán online trên website của mình. Hãy nhớ, thói quen mua hàng trực tuyến ở Việt Nam trong năm 2017 đã tăng 3 lần. (Kết quả khảo sát của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) về nơi chọn mua sản phẩm cho thấy, nếu như năm 2017 mới chiếm 0,9% thì chỉ sau một năm, tỷ lệ người tiêu dùng chọn mua online đã tăng gấp ba lần (2,7%).)
Còn nhân hiệu ở đây là gì?
Tôi lấy 1 số trường hợp sau: Nói tới Apple bạn nghĩ tới ai? Steve Jobs, Nói tới Microsoft bạn nghĩ tới ai? Bill Gates, Nói tới Vingroup bạn nghĩ tới ai? Phạm Nhật Vượng, nói tới cà phê Trung Nguyên bạn nghĩ tới ai? Đặng Lê Nguyên Vũ,…
Mỗi 1 doanh nghiệp đều gắn với tên của 1 người nào đó. Doanh nghiệp bạn cũng thế. Tôi không quan tâm doanh nghiệp của bạn lớn hay nhỏ cỡ nào, mà tôi thường sẽ quan tâm hơn tới người đứng đầu của nó – có tầm nhìn, tư duy như nào. Do vậy, đừng khép nép, sợ hãi khi mình là startup, đừng xấu hổ khi doanh nghiệp của bạn chỉ có 4,5 người. Hãy tự tin thể hiện con người của bạn, phẩm chất của bạn. Xây dựng 1 hình tượng chân thật, tử tế, đẹp mắt trong khách hàng, đối tác, nhân viên. Đó mới là điều đáng quý.
5. Định giá bằng giá trị chứ đừng định giá bằng giá vốn
Trong 1 buổi gặp mặt các nhóm sinh viên khởi nghiệp, tôi nhận được câu hỏi: Làm sao để định giá được chính xác sản phẩm của mình. Tôi hỏi lại em: Thế thường em sẽ đưa ra giá bán bằng cách nào? Tôi nhận được câu trả lời với công thức: Giá bán = Giá vốn + Lợi nhuận kì vọng.
Ví dụ: Em bán sản phẩm thiết bị quạt mát mini. Giá vốn các em làm ra kể cả thiết bị là 120.000 VNĐ, lợi nhuận em kỳ vọng là 30% nên giá bán đưa ra là: 120.000 + 120.000 x 0,3 = 156.000 VNĐ.
Đó là cái chết của rất nhiều startup. Gía nhân công đâu? giá rủi ro đâu? Giá làm công tác NCTT đâu?.... Đó không gọi là kinh doanh, mà là buôn bán, là lấy công làm lãi.
Các bạn nhớ: Khách hàng bỏ tiền ra để mua giá trị từ sản phẩm của bạn. Đơn giản hơn, với số tiền mà khách hàng bỏ ra, nhưng họ cảm thấy thoải mái và xứng đáng với món đồ họ mang về. Nó thể hiện ở: ngoài chất lượng sản phẩm còn là sự đẹp mắt, sự hài lòng từ dịch vụ, sự chân thành của doanh nghiệp, sự tiện lợi sử dụng,…
Vì vậy, để định giá sản phẩm, hãy giúp mình trả lời câu hỏi: Hệ giá trị sản phẩm của mình là gì?
6. Quản lý và tối ưu tài chính hiệu quả
“T ơi, em có 2000$, định thuê văn phòng, đóng bàn làm việc mới cho các bạn làm việc. Có được không ạ? Chứ làm ở phòng trọ nóng lắm, lại chật nữa, mấy đứa em chịu không nổi”
“Ừ, với 2000$ đó, em làm văn phòng rồi duy trì được bao lâu?”
Em không trả lời được!
Tôi cảm mến em vì sinh viên năm cuối đã có 2000$ trong tay để khởi nghiệp chứ không như các bạn khác còn đang vác hồ sơ đi ứng tuyển. Tôi muốn nói với em: Làm gì có khởi nghiệp mà không có khó khăn, chật trội, nóng bức hả em? Tôi mong em sẽ thành công vì tôi tin vào tố chất em có, sự đam mê em có; nhưng không phải theo cách này. Theo cái cách mà 99% sẽ đi vào con đường cụt của rất nhiều Startup.
Một tỷ lệ không nhỏ lý do các startup thất bại là do “nhiều tiền” trong thời gian ban đầu. Không hoạch định kế hoạch tài chính, chi tiêu theo cảm giác, không phân biệt được cái cần và cái muốn. Hãy nhớ: Dòng tiền là dòng máu của doanh nghiệp. Nếu không có kế hoạch quản lý tốt sẽ dẫn tới việc cạn kiệt máu và doanh nghiệp của bạn sẽ.... mà tôi không muốn nói ở đây.
Bạn nào cần có thể mail cho tôi. Tôi sẽ chia sẻ cho bạn file kế hoạch tài chính mà tôi sử dụng lúc tôi khởi nghiệp. Cũng khá lâu rồi. Dễ hiểu, dễ dùng, vì hồi đó tôi đâu biết, cân đối kế toán là gì, ROI, ROE là gì, tôi chỉ là Kỹ sư Tin học còn chưa ra trường…Tất nhiên, nó không được chỉnh chu, hoàn thiện như bây giờ, nhưng nó là công cụ giúp tôi cùng công ty tồn tại cho tới ngày nay… biết đâu … nó giúp cho doanh nghiệp của ai đó…
Trên đây là tôi chia sẻ 6 vấn đề phổ biến trong hàng nghìn vấn đề của các start-up từ kinh nghiệm của bản thân. Tôi mong các bạn luôn vững tin để vượt qua các giai đoạn sóng gió của khởi nghiệp.
Note: Tất cả chỉ là quan điểm, góc nhìn của tôi. Không có đúng sai, phán xét. Nếu đồng ý hãy nói cho tôi biết, nếu phản đối thì tôi cũng rất sẵn lòng nghe quan điểm của bạn.
Post a Comment