CHIẾN LƯỢC TRAI TỐT CHỐNG Ế - Blog Trần Hiếu - Mãi mãi tinh thần phụng sự

Header Ads

CHIẾN LƯỢC TRAI TỐT CHỐNG Ế



 Một cậu em thân quen cứ nằn nỉ, nhất quyết khẳng định chỉ anh mới có thể giúp được em, khiến tôi không thể từ chối. Cậu em này ngoại hình cũng ưa nhìn, là giám đốc một doanh nghiệp cỡ trung, lại ngoan ngoãn, không ăn chơi. Tuy nhiên, tính tình của cậu ấy đơn giản, giản dị, không phô trương nên ra ngoài ít ai biết là giám đốc một doanh nghiệp. Trái ngược với tình hình kinh doanh đang đi lên của mình, tình trường của cậu ấy khá thê thảm. Trước cũng có 1-2 mối tình ngắn hạn tầm một tháng thì bạn gái chia tay vì cảm giác không có gì thú vị. Còn hiện giờ thì chẳng cô nào ngó ngàng nên đành tiếp tục cuộc sống “ăn mặn, ngủ chay”.

Tôi hỏi cậu ấy: Triết lý trong tình yêu của em là gì?

Cậu ấy bẽn lẽn trả lời: Khi yêu thì em luôn cố gắng chiều chuộng, chăm sóc người yêu. Khi cô ấy hạnh phúc là em hạnh phúc.

Tôi mỉm cười: “Bị đá vì chính lẽ đó”. Tôi phân tích:

-Đầu tiên, em bị đá vì em luôn cố thoả mãn người yêu. Em không hề khiến cô ấy đầu tư trong cuộc yêu này. Trong tình yêu, khi chúng ta càng đầu tư nhiều vào mối quan hệ thì chúng ta càng trân trọng, càng yêu hơn và càng sợ mất. Đây chính là nguyên tắc “chi phí chìm”. Em trao rất nhiều với hi vọng một ngày nào đó cô ấy sẽ đối xử lại với em như vậy. Nhưng điều này chưa chắc đúng với người nhận. Khi họ nhận được quá dễ dàng thì cô gái đó không trân trọng những điều em cho. Thậm chí, đôi khi đó còn là gánh nặng, làm phiền cô ấy. Việc cô ấy không phải đầu tư trong cuộc tình khiến cô ấy không hề trân trọng và dễ cắt đứt. “Chi phí chìm” là tất cả những chi phí cô ấy đã đầu tư vào cuộc tình, nó sẽ bị mất khi cô chấm dứt. Việc cô ấy đầu tư quá ít khiến cho chi phí chìm thấp và cô ấy chẳng ngại ngần gì khi đá em. 

-Tiếp nữa, em bị đá vì giá trị cảm nhận của cô ấy không hề tăng trong thời gian dài. Giá trị cảm nhận của cô gái chính là thực tế trừ đi kỳ vọng. Mặc dù em tốt, nhưng cô ấy kỳ vọng rất cao từ đầu khiến cho giá trị cảm nhận được của cô ấy từ em là âm. Thà ban đầu em không quá tốt, rồi hàng ngày từ từ em tiến bộ thì em sẽ luôn vượt qua kỳ vọng của cô ấy, luôn tạo ra cảm xúc tích cực. Đừng cố là chàng trai hoàn hảo ngay từ đầu em à. Em xem, các công ty không bao giờ tung ra thị trường một sản phẩm hoàn hảo. Họ tung ra thị trường một sản phẩm có khả năng thương mại, tức là đủ tốt để khiến khách hàng mua. Sau đó, các phiên bản tiếp theo sẽ tốt hơn, hoàn thiện hơn, mang lại cho khách hàng trải nghiệm tốt hơn và khiến khách hàng luôn săn đón.

Cậu em: “Thế em đã lỡ tốt từ đầu rồi thì em phải làm sao ạ?”

Tôi đáp: 

-Em cần biết tạo ra trò chơi “tàu lượn cảm xúc”. Khi nào cảm xúc của cô ấy lên cao, thì hãy hạ nó xuống. Vài ngày không quan tâm, không hỏi thăm để cô ấy chủ động hỏi thăm em. Em phải để cô ấy hiểu rằng, kết quả của một cuộc tình còn tuỳ thuộc vào cách hành xử của cô ấy nữa. Nếu cô ấy không có những hành vi tích cực mà vẫn nhận được được yêu thương, trân trọng thì việc gì cô ấy phải đầu tư cho mối quan hệ nữa. Lúc này, em hãy tạo giá nhiều giá trị mới để đẩy cảm xúc lên cao. Như siêu thị họ luôn phải thay đổi cách bài trí. Lúc thì những thùng Coca xếp thành hình trái tim, lúc thì hộp sữa xếp thành hình tháp…Tuy siêu thị luôn phải giữ vững cấu trúc để khách hàng dễ tìm được sản phẩm mình cần nhưng thay đổi cách trang trí chính là tạo ra giá trị cho khách hàng, thấy siêu thị luôn tươi mới. Lúc thì để sầu riêng lên trước, lúc thì để táo lên trước chính là chiến thuật tăng nhu cầu trong kinh tế. Vậy lúc này với cô ấy điều gì là quan trọng? Em có những phẩm chất gì cần thể hiện ra ngay để đáp ứng nhu cầu quan trọng đó? Và tất nhiên những gì em thể hiện ra cần thay đổi theo thời gian, mặc dù giữ nguyên giá trị cốt lõi.

Cậu em: “Em hiểu cách giữ tình yêu rồi. Nhưng bây giờ em ế, cần phải tìm được đối tác trước đã.”

Tôi cười: 

-Em không tìm được đối tác vì em không đủ “hiếm”. Ở đời, cái gì “hiếm”nó mới quý. Việc em quá dễ dãi trao giá trị trước khi đối tác xứng đáng nhận khiến cho những điều tốt của em không “hiếm”. Tiếp đó, em thể hiện là em không có ai theo đuổi, không khiến cho các cô gái khác phải cạnh tranh để có được đó là điều không tốt. Các cô sẽ nghĩ chính vì em không “quý” nên không có ai theo, mà không phải cạnh tranh thì em chẳng có gì “hiếm”. Em phải tạo sự “khan hiếm” cho bản thân bằng cách thể hiện cho các cô hiểu trai tốt giờ không có nhiều, và những trai tốt luôn được săn đón. Hãy tạo nhu cầu cạnh tranh cho các cô gái để họ có được em. Lúc đó giá trị sẽ được đẩy lên cao. Đặc biệt trong phân khúc hạng sang, sản phẩm càng đắt thì càng được thị trường đánh giá cao và săn đón, giống như kim cương vậy. Càng tăng giá thì càng nhiều người mua. 

-Những điều em nói về bản thân chính là quảng cáo. Còn những điều mọi người nói về em là PR. Hiện tại em thấy kênh truyền thông nào tạo hiệu quả hơn? Em có một mạng lưới bạn bè rộng, có hình ảnh tốt trong mắt họ. Hãy để họ truyền thông về em thì tốt hơn là em tự quảng cáo về mình. Đến lúc tạo được sự khan hiếm trong thị trường thì lo gì không tạo ra được nhu cầu.

Cậu em cười tươi: “Em hiểu rồi. Cảm ơn anh về lời tư vấn trở nên “quý hiếm”. Em tự tin để nâng giá mình rồi. Giá càng cao thì em mới không ế. Năm sau em sẽ mời anh ăn kẹo.”

Tác giả: Vũ Minh Trường - thành viên khởi nghiệp Việt Nam 

Không có nhận xét nào