4 CHIẾN LƯỢC CẠNH TRANH – SÁNG TẠO HAY LÀ CHẾT? (KỲ 4) - Blog Trần Hiếu - Mãi mãi tinh thần phụng sự

Header Ads

4 CHIẾN LƯỢC CẠNH TRANH – SÁNG TẠO HAY LÀ CHẾT? (KỲ 4)


Vào một ngày, giám đốc công ty chợt nhận ra tất cả các lợi thế cạnh tranh bền vững của công ty (sản phẩm, khách hàng, nhân viên) đều không…bền vững.

Để có một sản phẩm chất lượng tốt thì cách nhanh nhất là du nhập công nghệ từ nước ngoài. Chúng ta hay coi sản phẩm Trung Quốc là hàng kém chất lượng. Nhưng ít người chê máy tính Lenovo của Trung Quốc vì đằng sau đó là công nghệ hàng đầu của IBM. Công nghệ giờ đã không còn quá quan trọng khi máy tính Acer của Đài Loan thậm chí còn tốt, đắt hơn cả Toshiba của Nhật Bản. Vài chục năm trước để đảm bảo chất lượng sản phẩm, các công ty dùng quy trình 6-sigma. Quy trình này cho phép sai số là 3,4 phần triệu, tức là có thể có 3,4 sản phẩm lỗi trong một triệu thành phẩm. Tuy nhiên, chẳng lẽ cứ một triệu chuyến bay thì có bốn chuyến bị rơi? Bởi vậy, hiện giờ các công ty dùng quy trình double 6-sigma, khiến cho số sản phẩm lỗi gần như về không.

Nói về đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhờ sự trợ giúp của Big Data, tất cả nỗi niềm thầm kín nhất của khách hàng đều phơi bày. Ở Mỹ đã có một vụ kiện, ông bố đã kiện công ty vì gửi quảng cáo quần áo em bé, nôi, bình sữa…cho đứa con gái 16 tuổi của mình. Công ty đã dựa trên dữ liệu tìm kiếm, lướt mạng của cô bé để gợi ý các sản phẩm cần thiết. Cuối cùng, ông bố mới ngã ngửa khi biết đứa con có bầu 4 tuần tuổi. Các công ty có nhiều dữ liệu đến mức có thể dự đoán ngày sinh của em bé với sai số 10 ngày. Hơn thế nữa, nhờ sự phát triển của công nghệ bạn có thể cá nhân hóa từng chi tiết nhỏ của sản phẩm: in ảnh, in tên mình,…Quả thực, các công ty hiện giờ còn hiểu bạn hơn chính bản thân bạn.

Cuối cùng, lợi thế cạnh tranh tưởng chừng bền vững nhất là nhân viên cũng bị xóa bỏ. Để có được kĩ năng cần thiết cho công ty, bạn chỉ có 3 lựa chọn: tuyển dụng, đào tạo hoặc thuê ngoài (outsourcing). Các công ty lớn không tiếc tiền, đầu tư mạnh tay vào mảng đào tạo để có được nhân viên ưng ý với đầy đủ kĩ năng cần thiết. Vinfast mở trường đào tạo kỹ thuật viên cơ khí để phục vụ riêng cho nhà máy lắp ráp xe hơi của mình. Những học viên này được trả lương ngay từ lúc đi học để có thể đảm bảo cuộc sống, chuyên tâm học hành. Một cách khác, bạn có thể dùng nhượng quyền thương hiệu (franchise) để lấy được quy trình đào tạo, quy trình hoạt động, nhân viên hỗ trợ từ công ty mẹ. Toàn bộ quy trình hoàn hảo đến mức, gần như đảm bảo chắc chắn công việc kinh doanh của bạn sẽ có lãi, với điều kiện duy nhất là bạn phải bỏ một số tiền vốn khá lớn ban đầu để mua thương hiệu. Bạn có thể xây khách sạn và thuê đội ngũ quản lý của Sheraton. Hàng tháng, bạn vẫn có tiền lời và chỉ phải trả một chút phí quản lý.

Sau một hồi suy nghĩ, giám đốc đã tìm được một lợi thế cạnh tranh có giá trị trong tất cả các thời kỳ - sự sáng tạo. Nếu có sự sáng tạo thì tất cả các yếu tố sản phẩm, khách hàng, nhân viên đều trở thành yếu tố phụ thuộc. Đối thủ sao chép sản phẩm, chúng ta đưa ra sản phẩm mới. Đối thủ tranh giành khách hàng, chúng ta tạo ra khách hàng mới. Nếu chúng ta còn sáng tạo thì đối thủ mãi mãi chỉ là kẻ đi sau. Có nhiều người suy nghĩ, kinh doanh yêu cầu sự thực tế, bài bản, không có chỗ cho sáng tạo. Thực sự không phải vậy. Albert Einstein nổi tiếng trong vật lý-bộ môn yêu cầu sự chính xác, thực tế vô cùng cao. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận thuyết tương đối, khái niệm không thời gian,…mà ông đưa ra không phải sự sáng tạo mang tính vượt thời đại. Trong quản trị, sáng tạo không phải là một tia sáng chợt lóe lên. Nó yêu cầu hai điều kiện:
1, Thấu hiểu về hiện tại (các yếu tố thị trường, xã hội, chính trị)
2, Dự đoán tương lai

Có những sáng tạo là tình cờ nhưng đa phần đều cần một sự chuyên tâm, chuẩn bị trong thời gian dài. Sự thay đổi về lượng đến mức độ nhất định sẽ tạo ra sự thay đổi về chất. Sáng tạo là một quá trình lâu dài và tôi sẽ đề cập phương thức tạo sáng tạo trong một dịp khác.

Hiện nay, tài nguyên lớn nhất của các quốc gia không phải dầu mỏ, quặng vàng, mà là chất xám. Nếu các công ty có thể khiến nhân viên của mình “sáng tạo” thì họ sẽ luôn luôn là người đi đầu. Tuy nhiên, trước khi cạnh tranh bằng “sáng tạo”, công ty cần vững chắc, củng cố các lợi thế cạnh tranh khác. Cao thủ võ lâm luôn cần “nội công thâm hậu” trước khi nói đến “chiêu thức”.
Tác giả: Vũ Minh Trường - thành viên khởi nghiệp Việt Nam

Không có nhận xét nào